Gói thầu giám sát Trung tâm Y tế Lệ Thủy (Quảng Bình): Nhiều tiêu chí bất lợi cho nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu Giám sát thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị thuộc Dự án Đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp trung tâm y tế và các trạm y tế - Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã cận kề thời điểm mở thầu, nhưng loạt kiến nghị, khúc mắc giữa các nhà thầu và Chủ đầu tư, Bên mời thầu vẫn chưa có hồi kết.
Gói thầu thuộc Dự án Đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp trung tâm y tế và các trạm y tế - Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy loạt kiến nghị, khúc mắc vẫn chưa có hồi kết. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Gói thầu thuộc Dự án Đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp trung tâm y tế và các trạm y tế - Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy loạt kiến nghị, khúc mắc vẫn chưa có hồi kết. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu có giá dự toán gần 800 triệu đồng, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 7/3 - 25/3/2024. Chủ đầu tư là Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Bình làm Bên mời thầu.

Phản ánh đến Báo Đấu thầu, một đơn vị tư vấn cho biết, Gói thầu có tính chất đơn giản, song HSMT lại đưa ra một số tiêu chuẩn đánh giá phức tạp, cùng điều kiện khắt khe về nhân sự chủ chốt, gây hạn chế cạnh tranh. Dù nhiều nhà thầu có văn bản kiến nghị điều chỉnh các bất cập này, song Chủ đầu tư, Bên mời thầu kiên quyết bảo lưu HSMT.

Cụ thể, tại tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật (mục giải pháp và phương pháp luận), HSMT quy định: Nhà thầu có thực hiện khảo sát hiện trường dự án (có các hình minh về họa vị trí, đặc điểm hiện trạng của dự án), đạt 2 điểm. Trường hợp nhà thầu không thực hiện khảo sát, đạt 0 điểm.

Theo phản ánh, pháp luật về xây dựng cũng như pháp luật về đấu thầu đều không có quy định bắt buộc nhà thầu tiến hành khảo sát hiện trường tiền đấu thầu. Theo đó, các nhà thầu tự quyết định việc thực hiện khảo sát hiện trường và chịu trách nhiệm cho những rủi ro của mình như tai nạn, mất mát hoặc thiệt hại tài sản và bất kỳ chi phí nào khác phát sinh từ việc khảo sát hiện trường nếu nhận thấy công tác này là cần thiết cho việc lập hồ sơ dự thầu. Ngoài ra, các nội dung liên quan đến công trình, dự án như địa điểm, địa hình, thiết kế… đã thể hiện trong hồ sơ dự án, nhà thầu hoàn toàn có thể chủ động tìm hiểu thông tin. Như vậy, đưa yêu cầu này vào HSMT sẽ gây khó khăn cho nhà thầu ngoài địa phương, ở xa địa điểm thực hiện gói thầu, phát sinh thêm chi phí cho nhà thầu.

Một nhà thầu cho biết, Gói thầu có dự toán thấp, song HSMT yêu cầu số lượng nhân sự chủ chốt lên đến 12 người, kèm nhiều tiêu chuẩn về chức danh được quy định cao hơn cấp công trình đang xét (công trình dân dụng, cấp III). Cụ thể, để đạt điểm tối đa, vị trí giám sát trưởng phải có trình độ trên đại học, có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình dân dụng hạng I, có từ 15 năm kinh nghiệm trở lên. Các chức danh khác như cán bộ giám sát phần kết cấu; cán bộ giám sát phần kiến trúc; cán bộ giám sát thi công lắp đặt thiết bị... đều yêu cầu chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình dân dụng hạng II trở lên.

Riêng vị trí cán bộ giám sát phần cấp thoát nước, HSMT yêu cầu đáp ứng điều kiện tốt nghiệp đại học trở lên, chuyên ngành cấp - thoát nước và có chứng chỉ hành nghề giám sát xây dựng dân dụng hoặc hạ tầng kỹ thuật. Yêu cầu này được cho rằng mâu thuẫn, không bám sát pháp luật xây dựng, bởi Điều 67 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định, đối với chuyên môn đào tạo cấp - thoát nước, cá nhân sẽ chỉ được cấp chứng chỉ giám sát công tác lắp đặt thiết bị vào công trình.

Phản hồi kiến nghị, Bên mời thầu cho biết, việc bố trí cán bộ đi thực địa sẽ giúp nhà thầu hiểu rõ hơn về đặc điểm, vị trí, tình hình địa điểm liên quan đến nội dung công việc thực hiện, từ đó đề xuất các giải pháp, kế hoạch thực hiện tốt hơn và đạt hiệu quả cao hơn. “Đối với nhân sự, việc đưa ra các tiêu chuẩn tính điểm theo hạng chứng chỉ giúp Bên mời thầu lựa chọn được nhà thầu có năng lực và sử dụng nhân sự có năng lực, kinh nghiệm tốt nhất để thực hiện Gói thầu”, Bên mời thầu phúc đáp.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhà thầu kiến nghị cho rằng, nội dung trả lời làm rõ của Bên mời thầu là vòng vo, không bám vào quy định của pháp luật về xây dựng và đấu thầu. Nhà thầu cho biết đã tiếp tục gửi văn bản phản đối nội dung làm rõ của Bên mời thầu và kiến nghị loại bỏ các tiêu chí bất cập nêu trên.

Chia sẻ với phóng viên, một số đơn vị tư vấn đồng quan điểm cho rằng, việc HSMT yêu cầu hàng chục cán bộ/kỹ sư giám sát kèm theo điều kiện cao về số năm kinh nghiệm, hạng chứng chỉ hành nghề là quá tầm với một công trình dân dụng, cấp III, phát sinh không ít chi phí cho nhà thầu. Trong khi đó, định mức chi phí giám sát thi công xây dựng hiện hành theo Thông tư số 12/2021/TT-BXD được đánh giá là thấp hơn nhiều so với thực tiễn triển khai hợp đồng, đẩy rủi ro về phía nhà thầu.

Một chuyên gia đấu thầu nhìn nhận, trường hợp HSMT nêu bất kỳ điều kiện mà pháp luật đấu thầu, pháp luật chuyên ngành không quy định; hoặc yêu cầu về nhân sự cao hơn yêu cầu thực tế của gói thầu là hành vi hạn chế cạnh tranh, vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều 44 của Luật Đấu thầu.

Chuyên đề