Ảnh chỉ mang tính minh họa |
Bất ngờ với lý do bị loại
Gói thầu số 14 (PC-02/1b) có giá dự toán hơn 79 tỷ đồng, thuộc Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP. Sơn La do Ban Quản lý các dự án ODA tỉnh Sơn La làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Đức và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.
Gói thầu được mở thầu vào ngày 19/12/2022 với 4 nhà thầu nộp HSDT gồm: Liên danh Công ty CP Đức Anh - Công ty TNHH Anh Tuấn Sơn La; Liên danh Công ty TNHH Thương mại Kim Sơn - Công ty CP Việt Dũng - Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển công nghệ An Bình - Công ty CP Kỹ thuật SEEN (Liên danh Kim Sơn - Việt Dũng - An Bình - SEEN); Công ty TNHH MTV Sỹ Hà Tây Bắc; Liên danh Tổng công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam và Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Phát triển kiến trúc đô thị (Liên danh VIWASEEN - UDCC).
Liên danh Kim Sơn - Việt Dũng - An Bình - SEEN là nhà thầu duy nhất đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Phản ứng gay gắt về việc HSDT bị đánh giá không đáp ứng tính hợp lệ và tiêu chí năng lực, Liên danh VIWASEEN - UDCC cho rằng, các lý do để loại nhà thầu như HSDT thiếu tuyên bố cam kết của thành viên trong liên danh; thiếu cam kết về tính hợp pháp của nhà thầu; và thành viên trong liên danh không độc lập về mặt kinh tế là không thỏa đáng.
“HSDT của chúng tôi hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về tính hợp lệ tại hồ sơ mời thầu (HSMT)”, Trưởng phòng Kế hoạch Đấu thầu của VIWASEEN (nhà thầu đứng đầu Liên danh) khẳng định. Theo đại diện Nhà thầu, HSDT bao gồm thỏa thuận liên danh đã được đại diện hợp pháp của hai bên ký kết, trong đó có phân công trách nhiệm của từng thành viên. Thành viên tham gia Liên danh đều là nhà thầu đã được thành lập và đang hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Hồ sơ chứng minh nộp đầy đủ trong HSDT từ trang 7 đến trang 162.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Trương Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý dự án thuộc Bên mời thầu, Tổ trưởng Tổ chuyên gia đấu thầu khẳng định: “HSDT mới chỉ có cam kết của cả Liên danh là không hợp lệ, mà phải có cam kết của từng thành viên”. Ông Hải cho rằng, nhà thầu này cần có một bản cam kết cụ thể về tính hợp pháp của cam kết.
Tranh cãi VIWASEEN thiếu độc lập về kinh tế
Một lý do khác khiến Tổ chuyên gia đánh giá HSDT của Liên danh VIWASEEN - UDCC không đáp ứng tính hợp lệ là VIWASEEN thiếu độc lập về mặt kinh tế, với nhận định phần lớn cổ phần nắm giữ bởi Bộ Xây dựng giao cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Liên danh khẳng định, đánh giá này hoàn toàn không đúng với thực tế hoạt động của doanh nghiệp cũng như các hồ sơ, tài liệu cung cấp trong HSDT và văn bản làm rõ.
Để chứng minh, đại diện VIWASEEN cho biết, theo danh sách tổng hợp người sở hữu chứng khoán đã gửi trong văn bản làm rõ của Liên danh, cổ phần của VIWASEEN được tổ chức và cá nhân sở hữu, trong đó SCIC là cổ đông lớn nắm giữ 56.949.500/58.018.600 cổ phần. Bộ Xây dựng hiện không còn là cổ đông hay đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Ngoài ra, SCIC là doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chứ không liên quan gì tới Bộ Xây dựng. Việc quản lý của SCIC (với tư cách là cổ đông lớn) tại VIWASEEN thông qua người đại diện tại VIWASEEN. “Do đó, VIWASEEN hoàn toàn độc lập về mặt kinh tế theo hướng dẫn, quy định của tổ chức tài trợ và quy định của pháp luật”, VIWASEEN cam kết.
Về làm rõ kiến nghị, Bên mời thầu khẳng định, đánh giá VIWASEEN không độc lập về mặt kinh tế là không sai. Ông Hải cho biết, Gói thầu sử dụng vốn ODA, quá trình đánh giá HSDT, Tổ chuyên gia, Bên mời thầu căn cứ vào các quy định của HSMT, thỏa thuận quốc tế cũng như quy định của pháp luật về đấu thầu để đảm bảo lựa chọn nhà thầu đúng quy định.
Về việc VIWASEEN có độc lập về mặt pháp lý hay không, một chuyên gia đấu thầu nhìn nhận, nhà thầu có đăng ký kinh doanh, mã số thuế… theo quy định là pháp nhân độc lập. Mặt khác, về tài chính, nếu thông tin doanh nghiệp cung cấp về thực trạng sở hữu cổ phần là chính xác thì đảm bảo tính độc lập về tài chính với Bộ Xây dựng.
Căn cứ yêu cầu tại HSMT: “Các doanh nghiệp quốc doanh tại đất nước của chủ đầu tư chỉ được coi là hợp lệ khi có thể chứng minh họ hoàn toàn độc lập về pháp luật và tài chính, hoạt động theo Luật Thương mại và họ không phải là các đơn vị trực thuộc của cơ quan thực hiện dự án (UBND tỉnh) hay đối tượng tiếp nhận phần vốn vay hay tài trợ”, thì VIWASEN đáp ứng tính hợp lệ.
Về 2 lý do loại nhà thầu khi đánh giá HSDT không hợp lệ do thiếu tuyên bố cam kết của thành viên trong liên danh và thiếu cam kết về tính hợp pháp của nhà thầu nêu trên, vị chuyên gia trên cho rằng, cần xem xét lại để tránh khả năng loại oan nhà thầu.