Ảnh Internet |
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) thống kê nhiệm vụ phát triển rừng đã hoàn thành với nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch và tăng so với 2016: Trồng rừng sản xuất đạt 104,6% kế hoạch năm, trồng cây phân tán đạt 108,8% kế hoạch năm.
Về cơ bản, rừng đã và đang được quản lý có hiệu quả. Tình trạng phá rừng, khai thác trái phép trên quy mô lớn được kiềm chế, giảm thiệt hại đến tài nguyên rừng và cơ bản đã kiểm soát được các “điểm nóng” về phá rừng, khai thác rừng trái phép. Chỉ đạo của Thủ tướng về dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên đã được các cấp, các ngành nghiêm túc triển khai thực hiện.
Việc chuyển mục đích sử dụng rừng đã được giám sát chặt chẽ hơn. Dịch vụ môi trường rừng đã trở thành nguồn thu chủ yếu phục vụ cho việc quản lý bảo vệ rừng với 20/31 tỉnh phía Bắc có thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tổng tiền đã thu đến hết 29/11/2017 là 659,5 tỷ đồng, đã chi trả 478,8 tỷ đồng đến các chủ rừng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã chỉ đạo toàn ngành trong năm 2018 cần tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020: Bảo vệ diện tích rừng hiện có, tăng cường công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chứa cháy rừng, ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Phấn đấu giảm tối thiểu 10% số vụ vi phạm và diện tích thiệt hại so với năm 2017.
Thứ trưởng cũng yêu cầu ngành cần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển rừng, kế hoạch trồng rừng thay thế. Quản lý chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên toàn quốc, đặc biệt là các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Rà soát, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Lâm nghiệp. Thúc đẩy liên kết gắn với triển khai chứng chỉ rừng bền vững, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý lâm sản, truy xuất nguồn gốc.
Cùng với đó cần nâng cao chất lượng và quản lý chặt giống cây trồng lâm nghiệp. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và thực thi Chương trình REDD+ quốc gia để tạo nguồn thu, tăng thu nhập cho người dân làm nghề rừng, giảm áp lực khai thác rừng tự nhiên. Đẩy nhanh sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Công ty lâm nghiệp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn cũng lưu ý một số điểm trọng tâm trong thời gian tới, trước mắt là việc chủ động ứng phó, sẵn sàng các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa hanh khô, nhất là những diện tích rừng bị ảnh hưởng bởi rét đậm, rét hại.