Giải pháp tháo “vòng kim cô” cho các nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao chất lượng đấu thầu, quy định về sửa đổi hợp đồng khi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng có thay đổi căn bản (đối với gói thầu xây lắp, EPC, gói thầu chìa khóa trao tay) là một trong những giải pháp được cơ quan soạn thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đề xuất. Những nội dung này được kỳ vọng sẽ góp phần gỡ hàng loạt vướng mắc như chiếc “vòng kim cô” đang khiến các chủ đầu tư, nhà thầu bế tắc trước những tình huống bất khả kháng.
Khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao chất lượng đấu thầu, quy định về sửa đổi hợp đồng khi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng có thay đổi căn bản là một trong những giải pháp được cơ quan soạn thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đề xuất. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao chất lượng đấu thầu, quy định về sửa đổi hợp đồng khi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng có thay đổi căn bản là một trong những giải pháp được cơ quan soạn thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đề xuất. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Cụ thể, sự thay đổi căn bản về hoàn cảnh thực hiện hợp đồng gồm các trường hợp như: Do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi ký kết hợp đồng; tại thời điểm ký hợp đồng, các bên không lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh; hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được ký kết hoặc được ký kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác; việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên; bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã sử dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích. Cuối cùng, việc sửa đổi hợp đồng được áp dụng khi chỉ số giá xây dựng được cơ quan có thẩm quyền công bố vượt quá 20%.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam Bùi Mạnh Hùng cho biết, những nội dung trên đã bao quát toàn bộ các trường hợp bất khả kháng gây hệ lụy nghiêm trọng ngoài khả năng ngăn chặn của chủ đầu tư và nhà thầu để tìm giải pháp sửa đổi hợp đồng. “Đặc biệt, giới nhà thầu tâm đắc với nội dung chỉ số giá xây dựng được công bố vượt quá 20% sẽ được xem xét điều chỉnh hợp đồng, bởi lâu nay giá vật liệu cơ bản của ngành xây dựng đã tăng hơn 30%”, đại diện nhà thầu này khẳng định.

Trong vòng 5 năm qua (giai đoạn 2017 - 2022), đã có nhiều văn bản của địa phương, doanh nghiệp gửi các cấp, ngành và cả Thủ tướng Chính phủ về việc xin phép điều chỉnh hợp đồng do trường hợp bất khả kháng.

Hai năm 2017 - 2018, khi giá cát lên cao bất thường, nhiều tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin gỡ vướng đối với các hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định. Chỉ trong 3 tháng, giá cát xây tô tăng từ 250.000 đồng/m3 lên 470.000 - 520.000 đồng/m3; cát san lấp tăng từ 80.000 đồng/m3 lên 230.000 đồng/m3.

Trong 2 năm 2020 - 2021, cả nước có hàng nghìn công trình phải hoãn, giãn tiến độ, thậm chí có giai đoạn phải tạm ngừng thi công hoàn toàn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mọi thiệt hại của nhà thầu trong giai đoạn này đều chưa được nhìn nhận khách quan để có những điều chỉnh hợp lý trong hợp đồng.

Tháng 4/2021, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) có văn bản kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ có những biện pháp quyết liệt nhằm bảo vệ nhà thầu xây dựng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do tình trạng giá thép tăng đột biến. Tại thời điểm đó, giá thép tăng hơn 40% so với cùng thời điểm năm 2020.

Tháng 5/2021, trao đổi với Báo Đấu thầu, Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau cho biết, 40 doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn có đơn kêu cứu do giá vật liệu xây dựng cao quá mức chịu đựng của nhà thầu, vượt xa dự toán các gói thầu đã ký kết hợp đồng. Theo đó, trên thị trường, giá cát tăng gần gấp đôi, cấp phối đá dăm tăng gần gấp rưỡi, thép và xăng dầu tăng gấp đôi so với thông báo giá của Liên sở Tài chính - Xây dựng.

Trong khi đó, các nhà thầu xây dựng tại TP.HCM bức xúc khi giá nhân công được ban hành để áp dụng lập dự toán đang thấp hơn nhiều giá thực tế chi trả. Cụ thể, nhiều năm nay, giá nhân công đối với thợ từ bậc 3 đến bậc 5/7 được ấn định từ hơn 170.000 - hơn 237.000 đồng/ngày. Trong khi giá thực tế nhà thầu phải trả là 310.000 - 490.000 đồng/ngày.

Ngày 5/9/2022, giá dầu lần đầu vượt giá xăng, neo ở mức 25.180 đồng/lít đã đánh thẳng vào khả năng chống chịu của đội ngũ nhà thầu, đặc biệt các đơn vị đang thi công đường cao tốc. Hàng loạt nhà thầu tiếp tục kêu cứu vì “càng thi công càng lỗ”.

Thực tế, thời gian qua, diễn biến khó lường của thị trường vật liệu, nguyên, nhiên liệu đầu vào của ngành xây dựng cộng với khâu xây dựng dự toán, công bố, cập nhật chỉ số giá xây dựng chậm trễ, lạc hậu đã làm suy yếu đội ngũ nhà thầu. Do đó, các nội dung về sửa đổi hợp đồng được giới nhà thầu đặt nhiều kỳ vọng. “Chỉ có như vậy, các nhà thầu mới đủ tự tin, nỗ lực để tham gia đấu thầu, hoàn thành đúng cam kết với chủ đầu tư”, đại diện VACC cho biết.

Chuyên đề