Gelex tìm kiếm gì từ Viglacera?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Không phải là tăng trưởng lợi nhuận, mục tiêu trọng tâm năm 2020 của Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) sẽ là hoàn tất các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) chiến lược. Trong đó, Tổng công ty Viglacera sẽ là mảnh ghép quan trọng để Gelex hoàn thiện hệ sinh thái tăng trưởng bền vững.
Ảnh: Hoàng Việt
Ảnh: Hoàng Việt

Mục tiêu M&A

Kế hoạch kinh doanh của Gelex đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào sáng nay 18/6. Theo đó, Công ty dự kiến doanh thu năm 2020 đạt khoảng 19.600 tỷ đồng trong trường hợp sáp nhập thành công Viglacera vào đầu quý IV/2020. Nếu kế hoạch sáp nhập không suôn sẻ, doanh thu dự tính ở mức 17.500 tỷ đồng, nhỉnh hơn 13% so với năm 2019. Tuy vậy, lợi nhuận trước thuế cho 2 kịch bản lần lượt chỉ ở mức 975 tỷ đồng và 735 tỷ đồng, đều thấp hơn con số 1.102 tỷ đồng mà Công ty đạt được trong năm 2019.

Lý giải về sự tỷ lệ nghịch giữa doanh thu và chi phí, Gelex cho biết do chi phí tài chính đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động kinh doanh của Công ty.

Số liệu từ các báo cáo tài chính của Gelex cũng cho thấy, tới cuối quý I/2020, tổng vay nợ tài chính và phải trả LC ngân hàng là gần 11.200 tỷ đồng, bằng một nửa tổng tài sản của Gelex và gấp tới 21,5 lần so với cuối năm 2015. Hệ quả là chi phí lãi vay tăng mạnh. Nếu năm 2015 chỉ phải trả 55 tỷ đồng lãi vay, thì cả năm 2019 là 765 tỷ đồng lãi vay và phí LC, con số này trong quý I/2020 là 199 tỷ đồng.

Mới đây, ngày 29/5, Gelex phát hành thành công 700 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định 6,5%/năm. Trước đó, cuối năm 2019, Gelex phát hành thành công 1.150 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lãi suất cố định 6,95%, được bảo lãnh thanh toán bởi CGIF - quỹ đầu tư tín thác thuộc ADB.

Giải thích rõ hơn về nhu cầu nguồn vốn tăng cao, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Tuấn cho biết, nguồn lực tài chính sẽ được Gelex dùng để thực hiện các thương vụ M&A, trong đó, mục tiêu lớn nhất là Tổng công ty Viglacera. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong tầm ngắm còn có Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh và Công ty Dây đồng Việt Nam CFT. Qua đó, Gelex hướng tới một hệ sinh thái khép kín gồm khu công nghiệp, hạ tầng điện nước và nhà ở xã hội cho người lao động.

Được biết, ngoài hạ tầng điện là lợi thế sẵn có của Gelex thì mảng cung cấp nước sạch đang được quản lý bởi công ty con là Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà. Do vậy, Viglacera sẽ là mảnh ghép để Gelex tiến vào lĩnh vực khu công nghệ nhằm đón đầu dòng vốn đầu tư vào Việt Nam hậu Covid-19.

Tại sao lại là Viglacera?

Ông Tuấn cho biết, Viglacera đã rất thành công khi đầu tư vào khu công nghiệp và là thương hiệu lớn được doanh nghiệp nước ngoài như Samsung hợp tác. Bên cạnh đó, các quy trình làm dự án điện (mà Gelex đã thực hiện) và khu công nghiệp có nhiều điểm tương đồng. Ngoài ra, Nhà nước đã có kế hoạch thoái vốn tại công ty này. Tuy nhiên, điểm yếu của Viglacera là cơ chế quản lý, do vẫn là doanh nghiệp nhà nước nên hoạt động M&A các khu công nghiệp sẽ diễn ra chậm hơn.

“Gelex sẽ làm chủ đầu tư, còn Viglacera (với uy tín đã có) sẽ là nhà phát triển”, ông Tuấn chia sẻ về chiến lược đầu tư bất động sản khu công nghiệp. Trong năm 2020, Gelex dự tính mua 4 khu công nghiệp để Viglacera phát triển. 

Để tạo nguồn vốn để thực hiện M&A, ngoài dựa vào đòn bẩy tài chính (gồm vốn vay ngân hàng, phát hành trái phiếu...), Gelex thông qua kế hoạch thoái hết vốn khỏi mảng logistics, trong đó có hai khoản đầu tư lớn vào Sotrans và Cảng Đồng Nai. Bên cạnh đó, chuyển đổi Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex sang mô hình công ty cổ phần để chuẩn bị tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

Chuyên đề