Đưa TP.HCM quay trở lại vị thế “hòn ngọc Viễn Đông”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sự phát triển của TP.HCM như “lò xo” đang bị nén lại và Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tư duy mới, cách tiếp cận mới, tầm nhìn mới được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những yếu tố đang kìm nén này để “lò xo” được bung bật, giúp Thành phố phát triển đột phá, quay trở lại vị thế “hòn ngọc Viễn Đông”.
Dự thảo Báo cáo quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra kịch bản phát triển không gian TP.HCM với 1 đô thị trung tâm, 1 thành phố (Thủ Đức) và 3 đô thị song hành. Ảnh: Đông Giang
Dự thảo Báo cáo quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra kịch bản phát triển không gian TP.HCM với 1 đô thị trung tâm, 1 thành phố (Thủ Đức) và 3 đô thị song hành. Ảnh: Đông Giang

Đây là kỳ vọng đối với Quy hoạch TP.HCM được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại Hội thảo tham vấn Quy hoạch TP.HCM tổ chức ngày 28/2/2024.

Kỳ vọng phát triển đột phá

TP.HCM là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước, nhưng sự phát triển của Thành phố đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các tiềm năng, thế mạnh của Thành phố chưa được khai thác một cách hiệu quả; tính vượt trội, sự năng động, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt của TP.HCM đối với vùng và cả nước đang có chiều hướng suy giảm; ngay cả đóng góp vào GDP của cả nước cũng giảm dần theo các năm, tỷ trọng đóng góp đến năm 2023 chỉ còn 16,5%.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kỳ vọng, bản Quy hoạch TP.HCM giải quyết được các vấn đề trọng tâm của Thành phố; nội dung, nội hàm của các đột phá đề ra trong Báo cáo quy hoạch đủ mạnh, mang tính đột phá, tương xứng với các mục tiêu phát triển đầy tham vọng. Cụ thể là trở thành trung tâm tài chính quốc tế gắn với việc tổ chức không gian phát triển, khả năng kiến tạo một không gian sống, làm việc hấp dẫn để thu hút nguồn lực, nhân tài, tinh hoa trong và ngoài nước đến làm việc, sinh sống.

Dự thảo Báo cáo quy hoạch đưa ra kịch bản phát triển không gian TP.HCM trong tương lai với 1 đô thị trung tâm (15 quận), 1 thành phố (Thủ Đức) và 3 đô thị song hành (Củ Chi - Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè - Quận 7 - Cần Giờ). Các đô thị song hành này tạo ra những tâm phát triển mới trong một vùng đô thị lớn, trong đó mỗi tâm mới đều sử dụng chặt chẽ và hiệu quả những yếu tố dân cư, hạ tầng kỹ thuật và xã hội của khu vực hiện hữu. Nói cách khác là không tách khỏi vùng trung tâm hiện hữu, mà bổ sung thêm những trung tâm mới, tạo thành hệ thống đô thị đa tâm, trong đó ngoài một tâm lớn ở giữa có 4 tâm chính ở 4 phía. Với kịch bản này, những dự án hạ tầng mới, đặc biệt là Vành đai 3, sẽ được phát huy tốt hơn, tạo ra những khu vực động lực kinh tế mới cho Thành phố.

Bày tỏ quan điểm về định hướng phát triển của TP.HCM, TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu vấn đề, TP.HCM đặt ra 5 định hướng phát triển (kinh tế xanh, xã hội văn minh, đô thị sáng tạo, hạ tầng thông minh và môi trường bền vững), nhưng cần đặt thêm vấn đề TP.HCM phát triển năng động, sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, các nhà khoa học tới sinh sống và làm việc; đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu Thành phố có trình độ phát triển và có thu nhập cao. Việc Dự thảo Báo cáo quy hoạch lựa chọn kịch bản phát triển với mức tăng trưởng GRDP 8,3%/năm giai đoạn 2021 - 2030 cần được rà soát thêm. Bởi, để đạt được mức kỳ vọng tăng trưởng bình quân của vùng Đông Nam Bộ trong giai đoạn này là 8 - 9%, thậm chí cao hơn thì mục tiêu phát triển của Thành phố phải được đặt cao hơn nữa; đồng thời cụ thể hóa Nghị quyết 31-NQ/TW về nhiệm vụ phát triển TP.HCM ngang tầm với các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á.

Kết nối và phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới

Tham vấn cho Quy hoạch TP.HCM, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nêu quan điểm, TP.HCM thuộc vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế lớn, năng động và quan trọng bậc nhất không chỉ với cả nước mà còn với khu vực Đông Nam Á. Chỉ trong 3 - 4 giờ bay, gần một nửa dân số thế giới đã có thể kết nối với TP.HCM nhờ sở hữu vị trí đắc địa. Quy hoạch cần nhấn mạnh tầm quan trọng này trong mối quan hệ, liên kết với Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài và kết nối với các nước Đông Nam Á, kết nối thế giới với ưu thế hướng biển thông qua cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Mặc dù sân bay Long Thành được xây dựng tại Đồng Nai với vai trò là sân bay của vùng nhưng ông Chính cho rằng, đây là sân bay thứ 2 bổ trợ cho TP.HCM để thêm cửa sổ kết nối với thế giới khi sân bay Tân Sơn Nhất đạt ngưỡng giới hạn 45 - 50 triệu lượt hành khách/năm. Do đó, Quy hoạch cần làm rõ hơn hướng phát triển từ TP.HCM tới Long Thành (Đồng Nai).

TS. Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) cho rằng, các đầu mối vận tải đã và đang đầu tư như: sân bay Long Thành, cảng biển, cửa khẩu quốc tế Mộc Bài… tạo ra giá trị cho vùng TP.HCM và Thành phố cần khai thác lợi thế kết nối thế giới qua các đầu mối này. Dẫn chứng việc TP. Hà Nội khai thác giá trị hàng hóa từ sân bay Nội Bài với 1 triệu tấn hàng hóa/năm đã tạo ra giá trị xuất nhập khẩu khoảng 31 tỷ USD, ông Chung cho rằng đây là con số đáng suy ngẫm. Sân bay Long Thành dự kiến hoàn thành năm 2026 với sản lượng hàng hóa dự kiến là 1,5 triệu tấn/năm, đây là lợi thế TP.HCM cần nắm bắt để khai thác. Báo cáo Quy hoạch cần làm nổi bật định hướng kết nối giao thông có hiệu quả giữa TP.HCM với các đầu mối, cửa ngõ của vùng mà không nên đặt vấn đề tiếp cận phát triển riêng lẻ cho từng đô thị.

Nhằm phát huy lợi thế từ liên kết vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Quy hoạch TP.HCM cần đặt vai trò đúng mức của sân bay Long Thành với sự phát triển của Thành phố và vùng. Sân bay Long Thành đang được quy hoạch trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế và khu vực, nghiên cứu hình thành một mô hình phát triển mới theo một số nước hiện nay (như Singapore) là thành phố sân bay. Nếu định hướng này được hiện thực hóa thì sẽ tác động rất lớn tới kinh tế vùng và TP.HCM sẽ tận dụng được rất nhiều lợi ích từ việc hình thành trung tâm trung chuyển, thành phố sân bay này. Do đó, Quy hoạch cần tính toán được phương án kết nối, tạo động lực như thế nào và Thành phố tận dụng, khai thác được gì từ việc kết nối này. Đây có thể sẽ là một trong những hướng đột phá về không gian phát triển của Thành phố sau này.

Chuyên đề