Chủ đầu tư mất khả năng tài chính, PvcomBank từ chối bảo lãnh, khách hàng Dự án Tokyo Tower đành chờ lựa chọn chủ đầu tư mới để hoàn thiện Dự án. Ảnh: Trần Việt |
Tuy nhiên, khi yêu cầu PVcomBank thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, khách hàng chỉ nhận được cái lắc đầu từ ngân hàng này.
Khách hàng không nhận được chứng thư bảo lãnh
Khách hàng mua căn hộ Dự án Tokyo Tower do Công ty CP Sông Đà 1.01 làm chủ đầu tư vẫn chưa được nhận nhà dù đã quá thời hạn bàn giao nhà hơn 9 tháng. Trong khi đó, theo hợp đồng mua bán giữa khách hàng và Sông Đà 1.01, sau ngày 30/6/2018, nếu chủ đầu tư không thể bàn giao nhà thì khách hàng có quyền gửi thông báo bằng văn bản cho bên bán về việc chấm dứt hợp đồng.
Cùng với đó, bên bán bị phạt hợp đồng là 10% giá trị căn hộ; đồng thời bên mua có quyền nhận lại số tiền mua căn hộ trong vòng 15 ngày kể từ ngày bên bán nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng...
Tuy nhiên, khi Chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà theo cam kết, các khách hàng yêu cầu PVcomBank thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh Dự án thì đã bị ngân hàng này từ chối với các lý do: Thời hạn bảo lãnh hợp đồng đã hết; khách hàng không tiến hành đăng ký xác nhận bảo lãnh tại Ngân hàng; khách hàng không đủ điều kiện để Ngân hàng thực hiện bảo lãnh.
Theo phản ánh của khách hàng mua căn hộ, PVcomBank chỉ phát hành một chứng thư bảo lãnh cho riêng Chủ đầu tư, trong đó có quy định các điều khoản để thực hiện bảo lãnh. Do vậy, khách hàng “mù mịt” thông tin về các điều khoản này khi ký hợp đồng mua căn hộ.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Đức Năng, Công ty Luật Dragon cho biết, “Điều 12 Thông tư 07/2015 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai” đã nêu: Khi thực hiện bảo lãnh cho chủ đầu tư dự án bất động sản để bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản, ngân hàng thương mại phải tuân thủ quy định: Thỏa thuận cấp bảo lãnh với chủ đầu tư, cam kết bảo lãnh phải phù hợp với quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản (hợp đồng bảo lãnh dự án có thời hạn cho đến khi nhà ở được bàn giao cho bên mua). Đồng thời, Điều 12 Thông tư 07/2015 của Ngân hàng Nhà nước cũng quy định: “Cam kết bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải có hiệu lực đến thời điểm ít nhất sau 30 ngày kể từ ngày bàn giao nhà cho bên mua, bên thuê mua nhà ở theo thỏa thuận của chủ đầu tư với bên mua, bên thuê mua nhà ở”. Tuy nhiên, mấu chốt ở đây là ngân hàng này đã không cung cấp chứng thư bảo lãnh cho khách hàng khi ký hợp đồng mua nhà.
Năng lực của PVcomBank ra sao?
Là một ngân hàng đại chúng quy mô lớn, nhưng việc công bố thông tin của PVcomBank lại khá sơ sài. Hiện website của PVcomBank chỉ công bố báo cáo tài chính năm 2014 và 2016 nhưng thiếu phần thuyết minh chi tiết của báo cáo.
Theo báo cáo tài chính năm 2016 tóm tắt của PVcomBank, thu nhập lãi trong năm 2016 là 5.608 tỷ đồng, tuy nhiên báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, số thực thu chỉ là 4.118 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí lãi đã thanh toán là 4.472 tỷ đồng, không chênh nhiều so với chi phí lãi ghi nhận trên bảng kết quả kinh doanh (4.782 tỷ đồng). Tương tự, báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm 2015 của PVcomBank cũng cho thấy thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự nhận được là 3.349 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với chi phí lãi và các chi phí tương tự đã trả lên đến 5.521 tỷ đồng.
Thực trạng này kéo dài nhiều năm qua cho thấy, PVcomBank cho vay tiền nhưng không thu được lãi, trong khi vẫn phải thanh toán lãi đối với các khoản tiền gửi tương ứng.
Trước tình hình như vậy, cộng thêm khoản nợ xấu phát sinh từ Dự án Tokyo Tower, Báo Đấu thầu đã trao đổi với PVcomBank về việc bố trí vốn cho Dự án này trong những năm tiếp theo. PVcomBank cho biết, để tiếp tục triển khai Dự án sẽ có rất nhiều công việc phải giải quyết như đối chiếu công nợ với người đã mua nhà, với nhà thầu, lựa chọn chủ đầu tư mới có năng lực, thực hiện xin phép các cơ quan ban ngành phê duyệt chủ đầu tư mới, sau đó mới triển khai tiếp các công việc hoàn thiện Dự án. Do vậy, khả năng Dự án được bàn giao trong năm 2018 là không thể.
Với khoản nợ xấu của Sông Đà 101 và Công ty CP Thương mại Hoàng Vương, để có thể thu giữ tài sản, PVcomBank cần thực hiện đúng các quy định pháp luật về xếp nhóm nợ cũng như trích lập dự phòng. Tại thời điểm xác định thu giữ tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, PVcomBank đã có những tính toán và chuẩn bị cho các vấn đề liên quan bao gồm cả trích lập dự phòng.
Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.