Năm 2015, trước tình hình hạn hán nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho chỉ định thầu, làm trước một hợp phần của công trình để kịp thời chống hạn. Ảnh minh họa: Lê Tiên |
Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có tổng mức đầu tư 7.245 tỷ đồng, thực hiện bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, gồm hai hợp phần chính: Công trình đầu mối hồ chứa nước Sông Cái; Đập dâng và tuyến dẫn nước Tân Mỹ.
Theo đề nghị của Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép áp dụng chỉ định thầu hạng mục Đập chính Sông Cái và đập phụ 1 thuộc hợp phần 1 từ năm 2010. Bộ đã giao liên danh 7 nhà thầu thực hiện do Công ty CP Xây dựng 47 đứng đầu, triển khai thi công từ đầu năm 2012 với giá trị hợp đồng khoảng 1.835 tỷ đồng, thời gian thực hiện 45 tháng. Do khó khăn về nguồn vốn, Dự án phải giãn tiến độ theo Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011, công trình tạm dừng thi công từ tháng 8/2015.
Năm 2015, trước tình hình hạn hán nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho chỉ định thầu, làm trước hợp phần 2 để kịp thời chống hạn. Thực tế với nguồn vốn được cấp không lớn (600 tỷ đồng) cho giai đoạn 2016 - 2017 chỉ thực hiện đầu tư xây dựng đập dâng và một phần tuyến ống dẫn nước. Do vậy, hạng mục đập chính Sông Cái và đập phụ 1 vẫn chưa có vốn để triển khai.
Theo Bộ NN&PTNT, trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020, Quốc hội và Chính phủ đã đồng ý bố trí vốn trái phiếu chính phủ để tiếp tục triển khai Dự án với tổng số vốn 3.603 tỷ đồng. Bộ đã chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị liên quan rà soát lại các hợp đồng xây dựng, phối hợp chặt chẽ với địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; đồng thời hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị kỹ thuật và chuẩn bị các điều kiện để có thể thi công ngay sau khi được bố trí vốn. Vốn bố trí cho công trình năm 2018 là 1.000 tỷ đồng.
Lý do đề nghị chấm dứt hợp đồng để tổ chức đấu thầu đối với phần khối lượng còn lại của hạng mục nêu trên là vì những lý do đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng chỉ định thầu đến nay không còn phù hợp, tính cấp thiết về mặt thời gian không còn; khối lượng còn lại khá lớn (gần 90% giá trị hợp đồng), tiến độ thi công kéo dài; việc tiếp tục chỉ định thầu trong thời gian dài sẽ phức tạp trong quá trình quản lý chi phí cũng như công tác kiểm tra, giám sát thực hiện hợp đồng do chế độ, chính sách của Nhà nước đã thay đổi nhiều và sự biến động của giá vật tư, vật liệu xây dựng.