Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn: Cảnh báo tiến độ thi công do thiếu vật liệu đất đắp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn với tổng mức đầu tư 7.699,3 tỷ đồng theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào quý IV/2022. Thời gian qua, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp nhưng nguồn đất đắp tại các gói thầu xây lắp của Dự án qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn thiếu trầm trọng. Để “cứu” được tiến độ Dự án, đòi hỏi phải có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Tổng nhu cầu đất đắp xây dựng đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn là 1,99 triệu m3 nhưng trữ lượng các mỏ đã được cấp phép khai thác chỉ đáp ứng 25%. Ảnh: Trí Nguyễn
Tổng nhu cầu đất đắp xây dựng đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn là 1,99 triệu m3 nhưng trữ lượng các mỏ đã được cấp phép khai thác chỉ đáp ứng 25%. Ảnh: Trí Nguyễn

Dự án nói trên có chiều dài 98,3 km, đi qua địa bàn 2 tỉnh Quảng Trị (hơn 37 km) và Thừa Thiên Huế (hơn 61 km). Dự án được khởi công vào tháng 9/2019 và dự kiến hoàn thành vào ngày 30/10/2022.

Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (đại diện Chủ đầu tư Dự án) cho biết, hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng đạt 99,85%, đã hoàn thành 10 khu tái định cư để bố trí cho các hộ dân. Tổng giá trị sản lượng xây lắp đạt khoảng 58%, tổng giá trị giải ngân toàn Dự án đạt 71,5%, từ đầu năm 2021 đến nay giải ngân được 1.105/2.736 tỷ đồng (đạt 40% kế hoạch năm). Ngoài những khó khăn như diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, giá thép xây dựng và nhiều loại vật liệu xây dựng tăng đột biến, thì nguồn đất đắp thiếu hụt, khan hiếm là “nút thắt” đáng báo động, khiến nhiều nhà thầu bị chậm tiến độ tại dự án này.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, các nhà thầu đang thi công tại Dự án như Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính, Công ty CP Tập đoàn Cienco 4, Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát cho biết, một số gói thầu của Dự án cần khối lượng đất đắp lớn là XL05, XL06, XL9, XL11, nhưng nguồn cung đất đắp tại địa phương rất khan hiếm, giá cao. Hiện tại, các mỏ đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đều bị giới hạn bởi công suất khai thác hàng năm, các mỏ đất đắp đảm bảo yêu cầu thì đang cấp cho nhiều dự án khác, trữ lượng còn lại không nhiều nên nguồn cung thiếu trầm trọng, nhà thầu phải mua với giá cao mà vẫn không đáp ứng được nhu cầu.

Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, dự kiến, có 12 mỏ đất phục vụ thi công Dự án, nhưng hiện 4 mỏ chưa được cấp phép khai thác. Trong 8 mỏ đất còn lại, chỉ 2 mỏ có công suất khai thác đáp ứng yêu cầu tiến độ thực hiện Dự án, 6 mỏ không đáp ứng yêu cầu. Tổng nhu cầu đất đắp cho Dự án là 1,99 triệu m3 nhưng trữ lượng khai thác tại 8 mỏ chỉ đáp ứng được 0,5 triệu m3, bằng 25% nhu cầu. Trong các gói thầu xây lắp của Dự án, có 4 gói thầu có thể tự điều phối lượng đất đào đắp. Với 4 gói thầu XL2, XL5, XL6, XL11, mặc dù Ban đã triển khai nhiều giải pháp, song tình hình cung cấp đất đắp vẫn vô cùng khó khăn.

Để tháo gỡ khó khăn cho Dự án và nhà thầu, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh kiến nghị tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp 1,493 triệu m3 đất đắp còn thiếu hụt cho Dự án. Cụ thể, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cần chấp thuận tăng công suất khai thác cho mỏ Trường Thịnh (hiện đã dừng khai thác), tận thu mỏ Trường An (đã dừng khai thác), tận thu đất tầng phủ khu vực mỏ đá sét đen và quặng laterit xã Phong Mỹ, tận thu đất đá thải trong khai thác mỏ đá vôi Đồng Lâm 1 triệu m3, tận thu các vị trí nạo vét lòng hồ trên địa bàn để bổ sung nguồn đất đắp cho 2 gói thầu XL5, XL6 (đang xây dựng tại huyện Phong Điền).

Đối với nguồn đất đắp thiếu hụt tại Gói thầu XL11, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đề xuất được điều phối đất từ Km25 của cao tốc La Sơn - Túy Loan, vận chuyển đất dôi dư của Dự án Nhà máy Sản xuất viên nén năng lượng tại huyện Nam Đông, chấp thuận chủ trương đầu tư mỏ đất tại khu vực xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc để cung cấp đất đắp phục vụ thi công gói thầu này.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư