Doanh nghiệp Việt thờ ơ với chuyển giao công nghệ

(BĐT) - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ đang được lấy ý kiến đã ghi nhận nhiều quan tâm xung quanh vấn đề vị trí của doanh nghiệp (DN) trong cuộc cách mạng chuyển giao công nghệ. 
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Một số DN kiến nghị, cần có chính sách ưu đãi cho mọi DN có sự chuyển giao công nghệ tích cực, chứ không nên phân biệt DN trong khu công nghệ cao với DN tại các khu công nghiệp bình thường. 

“Vùng trắng” trong thẩm định công nghệ

Quan ngại lớn nhất của các đại biểu đến từ TP.HCM khi xây dựng Luật Chuyển giao công nghệ là làm thế nào để hạn chế “nhập khẩu” công nghệ lạc hậu, cũ kỹ của thế giới và hạn chế tình trạng chuyển giá thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ của các DN FDI.

Ông Đỗ Nam Trung, Trưởng phòng Quản lý công nghệ thuộc Sở KH&CN TP.HCM cho biết, Việt Nam hiện đang đứng thứ 6 tại khu vực Đông Nam Á về chỉ số năng lực cạnh tranh, trong khi trình độ công nghệ chỉ xếp hạng 92/140 trên thế giới. Riêng tại TP.HCM, tỷ lệ DN có trình độ công nghệ xếp hạng trung bình chiếm tới 60 - 70%, trong đó DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ đến 96%. “Đa phần DN vẫn còn thụ động trong đổi mới công nghệ. Mặc dù nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tế mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng công tác chuyển giao công nghệ hiện vẫn chưa đáp ứng được thực tế”, ông Trung cho biết.

Đại diện Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM lo lắng: “Làn sóng đổi mới công nghệ diễn ra với tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các DN Việt Nam. Đáng lo nhất đối với cơ quan quản lý là khâu thẩm định, định giá công nghệ để kiểm soát chất lượng chuyển giao công nghệ cũng như hạn chế tình trạng chuyển giá trong hàng chục năm qua vẫn bị coi là “vùng trắng””. 

Doanh nghiệp vẫn đứng ngoài cuộc

Theo ông Đỗ Nam Trung, dù hiện nay chính sách hỗ trợ DN về chuyển giao công nghệ đã được ban hành khá đầy đủ, nhưng đa số DN vẫn còn đứng ngoài cuộc, không quan tâm nhiều đến chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, việc đăng ký chứng nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ vẫn còn mang tính tự nguyện, dẫn đến việc DN thích thì đăng ký, không thì thôi, không bị xử lý. Theo thống kê của Sở KH&CN TP.HCM, 10 năm sau khi Luật Chuyển giao công nghệ đi vào cuộc sống (từ năm 2006 đến nay), cả TP.HCM chỉ ghi nhận 23 trường hợp DN có cung cấp thông tin về hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng: “Quy định không bắt buộc đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp công nghệ thuộc Danh mục hạn chế chuyển giao đã giao đã tạo môi trường thực sự tự do cho các DN trong giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, mặt trái của quy định này là Nhà nước không có công cụ pháp lý để kiểm soát và ngăn chặn được các luồng công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, cũng như hành vi chuyển giá thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ”.

Vì vậy, theo ông Khuê, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ cần tính đến giải pháp đổi mới phương thức quản lý nhà nước về công nghệ và chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao để giảm thiểu thủ tục hành chính với DN, nhưng vẫn kiểm soát được thông tin, công nghệ.

Liên quan đến các chính sách ưu đãi dành cho DN hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, Phó Tổng giám đốc Công ty Dược phẩm Savipharm Trần Việt Trung cho rằng, chính sách ưu đãi hiện nay vẫn còn phân biệt giữa DN đóng trong khu công nghệ cao với các DN đóng trong các khu công nghiệp bình thường khác. “Cần có chính sách ưu đãi với mọi DN có sự chuyển giao công nghệ tích cực, công nghệ xanh hướng tới giá trị bền vững, chứ không nên phân biệt giữa các DN như vậy” - ông Trung góp ý.          

Chuyên đề