Ảnh minh họa: Internet |
Khi được yêu cầu xếp hạng các vấn đề cấp bách nhất đối với tổ chức của họ, nhiều CxO đã xếp hạng "biến đổi khí hậu" trong nhóm "ba vấn đề hàng đầu", xếp trên bảy yếu tố khác, bao gồm đổi mới sáng tạo, cạnh tranh nhân tài và thách thức đối với chuỗi cung ứng.
Theo đó, chỉ có triển vọng kinh tế được xếp hạng cao hơn biến đổi khí hậu với tỷ lệ chênh lệch không đáng kể. Đồng thời, 75% các CxO cho biết, tổ chức của họ đã tăng đầu tư vào phát triển bền vững trong năm qua, gần 20% trong số đó cho biết các khoản đầu tư đạt mức "tăng đáng kể".
Phần lớn các CxO tham gia khảo sát cho biết, biến đổi khí hậu đã tác động đến tổ chức của họ trong năm qua. Trong đó, những vấn đề hàng đầu ảnh hưởng đến công ty của họ gồm: "tình trạng khan hiếm/chi phí tài nguyên tăng cao" (46%); "thay đổi mô hình/sở thích tiêu dùng liên quan đến biến đổi khí hậu" (45%) và "các quy định liên quan đến phát thải" (43%). Bên cạnh đó, khoảng 1/3 CxO cho biết, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất (37%) và sức khỏe tinh thần của nhân viên (32%).
Bên cạnh tác động đến hoạt động kinh doanh và các nhóm hữu quan, 82% số lãnh đạo tham gia khảo sát cho biết cá nhân họ bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng khí hậu, trong đó nhiệt độ khắc nghiệt là vấn đề xảy ra thường xuyên nhất. 62% cho biết họ luôn luôn hoặc thường xuyên trong trạng thái quan ngại về tình trạng biến đổi khí hậu.
Mặc dù có những quan ngại, 78% các lãnh đạo "tương đối" hoặc "cực kỳ" lạc quan rằng thế giới sẽ có những biện pháp cần thiết để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu; 84% đồng ý/rất đồng ý với nhận định rằng nền kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng, đồng thời đạt được các mục tiêu về biến đổi khí hậu đã đề ra.
Deloitte đã thực hiện Báo cáo dựa trên kết quả khảo sát hơn 2.000 CxO tại 24 quốc gia và vùng lãnh thổ để tìm hiểu về mối quan tâm và hành động của lãnh đạo các doanh nghiệp liên quan đến biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Báo cáo cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thu hẹp khoảng cách giữa tham vọng của doanh nghiệp và những tác động mà doanh nghiệp tạo ra, nhằm thúc đẩy tiến trình hướng tới một nền kinh tế phát thải thấp.
Theo Báo cáo của Deloitte, các tổ chức đang triển khai nhiều hành động chống biến đổi khí hậu. Cụ thể, 59% số lãnh đạo tham gia khảo sát cho biết sử dụng nhiều nguyên vật liệu bền vững hơn; 59% tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng; 50% đào tạo nhân viên về những hành động chống biến đổi khí hậu; 49% đang phát triển các sản phẩm hoặc dịch vụ thân thiện với môi trường. Họ cũng đang tăng cường nỗ lực thích ứng với tình trạng khí hậu (43% hiện đại hóa hoặc di dời các cơ sở hoạt động để tăng khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu; 40% mua bảo hiểm trước những rủi ro thời tiết khắc nghiệt; 36% hỗ trợ tài chính cho những nhân viên bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt).
Tuy nhiên, giống như năm ngoái, các công ty ít có khả năng thực hiện được các hành động chứng minh rằng họ đã lồng ghép những cân nhắc về khí hậu vào văn hóa doanh nghiệp và có được sự ủng hộ của lãnh đạo cấp cao để tạo ra những thay đổi thực sự ý nghĩa. Chẳng hạn, 21% CxO cho biết, tổ chức của họ không có kế hoạch ràng buộc lương thưởng của lãnh đạo cấp cao với hiệu suất của các hoạt động bền vững và 30% cho biết không có kế hoạch thuyết phục chính phủ hỗ trợ các sáng kiến về khí hậu.
Ngoài ra, khi được hỏi về mức độ tận tâm đối với các nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu của các khu vực kinh tế, chỉ có 29% CxO cho biết họ tin rằng các doanh nghiệp tư nhân thể hiện sự tận tâm "rất cao". Gần một phần tư CxO cho biết một trong những rào cản hàng đầu là khó khăn trong việc đo lường tác động đến môi trường, và gần 1/5 nhận định chi phí cùng tập trung vào các ưu tiên ngắn hạn là rào cản.
Nhiều tổ chức quan ngại về vấn đề "chuyển đổi công bằng" - hướng tới việc đảm bảo những lợi ích to lớn của việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh được chia sẻ rộng rãi, đồng thời hỗ trợ các bên liên quan bị thiệt hại về kinh tế - nhưng mức độ quan ngại có sự khác biệt lớn giữa khu vực và quốc gia. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đặc biệt quan tâm đến vấn đề chuyển đổi công bằng trong khi các nền kinh tế tại châu Âu và Mỹ ít xem vấn đề này là ưu tiên.
Báo cáo của Deloitte đưa ra một số khuyến nghị để các CxO tham khảo và bắt đầu hành động. Các khuyến nghị bao gồm: Lồng ghép mục tiêu khí hậu vào chiến lược tổng quan và mục đích của doanh nghiệp; xây dựng niềm tin thông quan việc triển khai những hành động chống biến đổi đáng tin cậy; trao quyền cho hội đồng quản trị; khuyến khích các bên liên quan hành động; đầu tư vào công nghệ của hôm nay và mai sau; hợp tác để thúc đẩy thay đổi ở cấp độ hệ thống.