Gói thầu thu hút sự quan tâm tham dự của 5 nhà cung cấp lớn trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng, vũ trụ, viễn thông. Phối cảnh tổng thể Trạm Radar Quy Nhơn (nguồn: VATM) |
Gói thầu có dự toán phê duyệt điều chỉnh 665,61 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển của Tổng công ty. Do hàng hóa cần mua sắm có tính chất đặc chủng, phức tạp, quy mô lớn, Gói thầu phải trải qua 18 tháng triển khai đấu thầu rộng rãi quốc tế theo phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ. Trong đó, Giai đoạn 1 được hoàn tất mở thầu ngày 26/2/2021, quy tụ sự tham dự của 5 nhà cung cấp lớn trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng, vũ trụ, viễn thông, gồm: Leonardo S.p.A (Italia); EASAT Radar Systems Limited (Vương quốc Anh); Indra Sistemas S.A (Tây Ban Nha); Liên danh ELDIS Pardupice - EXCALIBUR International (gọi tắt là Liên danh ELEXVN, Cộng hòa Séc); Liên danh Thales LAS France SAS (Pháp) - Công ty CP Thiết bị Mỹ Kim (Việt Nam) (gọi tắt là Liên danh Thales - MKE).
Quá trình xem xét, trao đổi hồ sơ dự thầu (HSDT) Giai đoạn 1 kéo dài 3 tháng (từ ngày 26/2 - 24/5/2021). Trong giai đoạn này, các nhà thầu tham gia đã mời VATM tham quan, khảo sát trực tiếp tại Hãng. Trên cơ sở trao đổi với từng nhà thầu về các đề xuất kỹ thuật, Chủ đầu tư có căn cứ xác định hồ sơ mời thầu (HSMT) Giai đoạn 2.
Trong Giai đoạn 2, các nhà thầu đã tham gia Giai đoạn 1 được mời nộp HSDT. Tuy nhiên, biên bản mở thầu ngày 19/11/2021 ghi nhận, chỉ có 3 nhà thầu tiếp tục tham dự gồm: Leonardo S.p.A; Liên danh ELEXVN; Liên danh Thales - MKE.
Kết quả đánh giá xác định, duy nhất Liên danh Thales - MKE đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Nhà thầu được VATM phê duyệt trúng thầu tại Quyết định số 2879/QĐ-QLB ngày 25/5/2022, với giá trúng thầu (làm tròn) 479,577 tỷ đồng. Trong đó, giá CIP của Thales tương đương 335,673 tỷ đồng; giá CIP của Mỹ Kim là 82,588 tỷ đồng; thuế, phí đối với hàng hóa, dịch vụ phát sinh tại Việt Nam (tạm tính) là 61,316 tỷ đồng. Hợp đồng có thời gian thực hiện trong 15 tháng, loại hợp đồng theo đơn giá trọn gói.
Không đồng tình với kết quả lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt, ngày 8/6/2022, Leonardo S.p.A (Italia) đã có văn bản kiến nghị gửi VATM cùng các cơ quan chức năng liên quan đề nghị xem xét, đánh giá lại HSDT.
Theo cơ cấu tại HSMT, các yêu cầu kỹ thuật tổng quát được quy định thành 3 bảng (Bảng 1.1, Bảng 1.2, Bảng 2) với trên 300 yêu cầu kỹ thuật chi tiết. Kết quả đánh giá cho thấy, Leonardo bị loại do không đạt điểm tối thiểu tại 3 yêu cầu kỹ thuật chi tiết (3 yêu cầu này có tổng điểm là 69, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trên tổng điểm kỹ thuật là 1000).
Leonardo cho rằng, lý do loại nhà thầu được Tổ chuyên gia viện dẫn là khiên cưỡng, bất hợp lý, đồng thời không phù hợp với HSMT bản tiếng Anh đã được Chủ đầu tư phát hành. Theo HSMT bản tiếng Anh, nguyên tắc đánh giá điểm kỹ thuật (DKT) được quy định như sau: “The Bid with a total technical score that is greater than or equal to 800 (corresponding to 80% of DKT) and scores of all detailed technical requirements is greater than or equal to the minimum required score, will be evaluated "Pass" on Technical criteria in Stage 2 and considered further evaluation of price”.
Trong khi đó, tại HSMT bản Tiếng Việt, nguyên tắc trên được đề cập như sau: “HSDT có tổng điểm kỹ thuật lớn hơn hoặc bằng 800 điểm (tương ứng với 80% của điểm kỹ thuật) và tất cả các yêu cầu có điểm lớn hơn hoặc bằng điểm yêu cầu tối thiểu, sẽ được đánh giá là đạt về mặt kỹ thuật và được xem xét về giá”.
Leonardo cho rằng, có sự khác biệt rất lớn trong việc mô tả nguyên tắc đánh giá điểm kỹ thuật giữa HSMT bản tiếng Anh và bản tiếng Việt, đây cũng chính là căn nguyên dẫn đến cục diện phức tạp trong đánh giá HSDT. Nếu theo cách hiểu tiếng Anh, nhà thầu chỉ cần đáp ứng điểm yêu cầu tổng quát (scores of all detailed technical requirements) tối thiểu được quy định tại từng bảng, đồng thời, tổng điểm tại 3 bảng (total technical score) đạt trên 800 điểm, sẽ được đánh giá đạt kỹ thuật.
Tuy nhiên, nếu theo nguyên tắc đánh giá được quy định tại HSMT bản tiếng Việt, nhà thầu phải đáp ứng điều kiện “tất cả các yêu cầu có điểm lớn hơn hoặc bằng điểm yêu cầu tối thiểu”, điều kiện này hoàn toàn không mang nghĩa tương đương với cụm từ “scores of all detailed technical requirements is greater than or equal to the minimum required score” tại HSMT bản tiếng Anh. Trong khi đó, ngôn ngữ ưu tiên được quy ước tại 2 bản HSMT như sau: “Nếu có khác biệt nào giữa HSMT bản tiếng Anh và bản tiếng Việt thì bản tiếng Việt sẽ được sử dụng làm căn cứ đánh giá”, đã ngay lập tức loại bỏ phiên bản tiếng Anh của HSMT.
Theo Leonardo, Điều 9, Luật Đấu thầu Việt Nam quy định, ngôn ngữ sử dụng trong đấu thầu là tiếng Anh hoặc tiếng Việt và tiếng Anh đối với đấu thầu quốc tế. Như vậy, pháp luật Việt Nam hiện hành không có bất cứ quy định ưu tiên trong đấu thầu quốc tế là tiếng Việt. “Đối với một gói thầu quốc tế, quy định trên của VATM là bất hợp lý, bởi việc “bắt” những nhà thầu nước ngoài phải hiểu rõ ngữ nghĩa tiếng Việt là không công bằng. Trường hợp HSMT được lập bằng nhiều ngôn ngữ thì trước hết, cần đảm bảo sự tương đồng tối đa về nội dung giữa các phiên bản HSMT. Nếu buộc phải lựa chọn ngôn ngữ ưu tiên, ngôn ngữ đó đảm bảo tính phổ cập trên toàn thế giới để tránh tạo lợi thế cho nhà thầu của một quốc gia cụ thể trong đấu thầu”, Leonardo nhấn mạnh.
Thực tế, Báo cáo đánh giá của VATM thể hiện Leonardo đạt tổng số 854,8/1000 điểm kỹ thuật, đồng thời, đáp ứng điểm tối thiểu tại 3 bảng yêu cầu tổng quát. Tuy nhiên, Nhà thầu bị loại do 3 (trong tổng số trên 300) yêu cầu kỹ thuật chi tiết không đạt điểm tối thiểu theo yêu cầu.
Theo chuyên gia đấu thầu, đối với đấu thầu quốc tế, cần tuân thủ quy ước về sử dụng ngôn ngữ ưu tiên theo quy định pháp luật đấu thầu Việt Nam hiện hành. Trường hợp có quy định khác, chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tính pháp lý của HSMT được lập. Đồng thời, khi đánh giá HSDT, cần căn cứ các yêu cầu cụ thể của HSMT. Nếu HSMT không quy định điểm tối thiểu tại từng tiêu chuẩn kỹ thuật chi tiết, thì không có căn cứ loại nhà thầu.
Trong văn bản phúc đáp kiến nghị của Leonardo ngày 15/6/2022, VATM khẳng định đã và đang áp dụng, tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam trong xây dựng HSMT và đánh giá HSDT. Đồng thời, VATM cũng phủ nhận việc HSMT có sự sai khác về ngữ nghĩa giữa 2 bản tiếng Việt và tiếng Anh, dẫn đến sai lệch trong đánh giá HSDT. Cũng theo VATM, nếu nhận thấy có sự mâu thuẫn trong cách hiểu, nhà thầu cần yêu cầu làm rõ tại thời điểm phát hành HSMT. Trường hợp nhà thầu không thực hiện quyền làm rõ, được hiểu rằng nhà thầu đồng ý với các yêu cầu của HSMT.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Leonardo cho biết, nội dung phúc đáp của VATM không đề cập trực diện đến các kiến nghị chính của Nhà thầu, cũng như không làm rõ được cơ sở, lý do thuyết phục loại Nhà thầu. Trước quan điểm bảo lưu kết luận đánh giá HSDT của VATM, ngày 21/6/2022, Leonardo đã tiếp tục có công văn kiến nghị kết quả lựa chọn nhà thầu lần 2 gửi VATM và Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội đề nghị được xem xét, giải quyết theo quy định.