Khó có cửa giảm lãi suất trong năm nay (ảnh minh họa). |
Trong báo cáo gửi Chính phủ, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) nhận định, trong năm 2017, lãi suất bình quân khá ổn định.
Lãi suất huy động VND kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 6,4-7,2%/năm. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm khoảng 0,5-1%/năm so với đầu năm. Đối với khu vực sản xuất kinh doanh thông thường, lãi suất cho vay ở mức 6,8-11%/năm.
Theo ủy ban này, mặc dù thanh khoản hệ thống khá tốt, các điều kiện vĩ mô tương đối thuận lợi, lãi suất có tín hiệu giảm nhưng chưa như kỳ vọng.
Cụ thể, thị trường tiền gửi và thị trường liên ngân hàng kém liên thông. Lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức khá thấp trong khi lãi suất trên thị trường tiền gửi giảm không nhiều, do thanh khoản dồi dào trên thị trường tập trung chủ yếu ở các tổ chức tín dụng (TCTD) lớn.
Một số TCTD nhỏ hoặc thuộc diện tái cơ cấu thiếu vốn vẫn khó khăn trong việc cận dòng vốn lãi suất thấp trên thị trường liên ngân hàng, buộc phải giữ nguyên hoặc tăng lãi suất huy động trên thị trường tiền gửi.
Trong khi đó, nợ xấu vẫn là rào cản lớn cho việc hạ lãi suất trong khi NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) của các TCTD vẫn còn ở mức khiêm tốn so với các nước trong khu vực. NIM của hệ thống ngân hàng tuy có xu hướng tăng trở lại (ở mức từ 2,74% năm 2014 lên mức khoảng 3% năm 2017) nhưng vẫn thấp so với các nước như Thái Lan (3,07%), Indonesia (5,82%), Philippines (3,58%).
“Điều này khiến các TCTD không có nhiều động lực để giảm lãi suất cho vay”, UBTCGSQG nhận xét.
Theo ủy ban, lãi suất huy động và cho vay VND năm 2018 dự báo khá ổn định so với năm 2017, với biên độ giao động khoảng 0,2 điểm %.
Lãi suất có thể có biến động nhẹ và cục bộ nếu yếu tố mùa vụ vào đầu năm do Tết Nguyên đán và vào cuối năm do nhu cầu tín dụng thường tăng cao. Một số TCTD buộc phải tăng huy động dài hạn để đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định.
Cùng với đó, việc một số TCTD tăng vốn để đáp ứng yêu cầu về CAR theo Basel II cũng có thể góp phần tạo nên biến động lãi suất.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây tại hội thảo “Cơ hội đầu tư - kinh doanh 2018” cũng đưa ra nhận định khả năng giảm lãi suất là khó, vì 4 nguyên nhân.
Thứ nhất do lãi suất đầu vào khó giảm. Thứ hai, vấn đề nợ xấu hiện đã được xử lý nhanh hơn nhờ Nghị quyết 42. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để thì không phải ngày một ngày hai mà cần cả một quá trình. Khi chưa thể xử lý nợ xấu nhanh hơn, hiệu quả hơn thì chưa thể giảm lãi suất.
Bên cạnh đó, chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra của các ngân hàng Việt Nam đang ở mức tương đối thấp so với khu vực, chỉ 2,2%-2,4%, so với Trung Quốc khoảng 3%, Philippines, Indonesia khoảng 2,8%-3%. Chưa kể, chi phí giao dịch kinh tế của Việt Nam rất cao.
“Như vậy lãi suất ổn định lại thì được nhưng giảm tiếp thì rất khó”, vị chuyên ra kết luận.