Cuộc đua sở hữu tại “ông lớn” tư vấn giao thông TEDI

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) được biết đến là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực tư vấn giao thông. Trước thời điểm đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCOM, các cổ đông lớn của TEDI đã có những động thái gia tăng sở hữu tại doanh nghiệp này.
Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải từng trúng nhiều gói thầu tư vấn, khảo sát thiết kế công trình giao thông vận tải, xây dựng dân dụng và công nghiệp. Ảnh: Tiên Giang
Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải từng trúng nhiều gói thầu tư vấn, khảo sát thiết kế công trình giao thông vận tải, xây dựng dân dụng và công nghiệp. Ảnh: Tiên Giang

Tháo gỡ nút thắt để cổ đông gia tăng sở hữu

Được cổ phần hóa từ năm 2014 và trở thành công ty cổ phần 100% vốn tư nhân vào năm 2016, nhưng đến nay TEDI vẫn chưa đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCOM theo quy định. Sự chậm trễ này khiến TEDI nhiều lần bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 diễn ra ngày 30/6/2021, HĐQT TEDI đã có tờ trình về việc thực hiện nghĩa vụ đăng ký lưu ký và giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán UPCOM nhưng không được thông qua. Tờ trình “Hủy bỏ hạn chế thời gian chuyển nhượng đối với toàn bộ cổ phần ưu đãi bán cho người lao động theo số năm cam kết làm việc tại thời điểm cổ phần hóa TEDI” cũng chung số phận. Được biết, tính đến đầu năm 2020 có tới hơn 4,5 triệu cổ phần của TEDI (tương đương 36,4% vốn điều lệ) bị hạn chế chuyển nhượng.

Tuy nhiên, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra ngày 22/10/2021, cả 2 tờ trình trên đều được thông qua, mở đường cho việc giao dịch cổ phần của TEDI diễn ra thuận lợi.

Theo dữ liệu phóng viên thu thập được, trong năm 2021, TEDI đã hoàn thiện thủ tục 140 lượt chuyển nhượng với tổng số hơn 6,81 triệu cổ phần. Trong đó, cổ đông chiến lược Nhật Bản tại thời điểm công ty này cổ phần hóa là Oriental Consultants Global (OCG) đã tăng tỷ lệ sở hữu từ 20,262% lên 34,135% vốn điều lệ (tương ứng hơn 4,26 triệu cổ phần).

Đáng chú ý, trong cơ cấu cổ đông của TEDI xuất hiện “tay chơi” mới là Công ty CP Đầu tư MHC nắm giữ 30,113% sau khi mua lại 25,762% cổ phần từ cá nhân Phạm Trung Thành. Cổ đông lâu năm là Công ty CP Xây dựng hạ tầng FECON (FECON S&C) đã bán hết 9,35% cổ phần. Như vậy tính đến cuối năm 2021, TEDI có các cổ đông lớn là OGC (34,135%), Đầu tư MHC (30,113%) và Phạm Hữu Sơn (8,5%). Ngoài ra còn có 224 cổ đông khác sở hữu 27,223% vốn điều lệ.

Dù thay thế FECON S&C để trở thành cổ đông lớn của TEDI, nhưng theo tìm hiểu, Công ty CP Đầu tư MHC và FECON S&C đều có mối liên hệ với ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn GELEX.

Việc hủy bỏ hạn chế thời gian chuyển nhượng đối với toàn bộ cổ phần ưu đãi bán cho người lao động theo số năm cam kết làm việc tại thời điểm cổ phần hóa TEDI đã gỡ “nút thắt” để các cổ đông lớn tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này trong thời gian tới.

“Ông lớn” trong lĩnh vực tư vấn giao thông

Theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ riêng công ty mẹ TEDI được công bố trúng khoảng 26 gói thầu với tổng giá trị 364 tỷ đồng, trong đó có nhiều gói lớn được chỉ định thầu.

Trong năm 2021, TEDI đã tham dự 439 gói thầu, gồm 136 gói theo hình thức chỉ định thầu (chiếm 31%), 303 gói theo hình thức đấu thầu cạnh tranh (chiếm 69%). Trong hình thức đấu thầu cạnh tranh, tỷ lệ trúng thầu của TEDI đạt khoảng 84%. Tổng công ty đã ký được trên 463 hợp đồng và phụ lục hợp đồng với tổng giá trị 1.420 tỷ đồng. Bên cạnh các ngành nghề truyền thống cầu, đường bộ, đường sắt, cảng đường thủy, hàng không, một số lĩnh vực có nhiều khởi sắc như khảo sát, thiết kế, tư vấn giám sát hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị, khu công nghiệp, ngành năng lượng, đường sắt đô thị...

Về kết quả sản xuất kinh doanh, năm 2021, TEDI ghi nhận 946,8 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 10% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 60,1 tỷ đồng, tăng trưởng 36%. Trong năm 2019, doanh thu và lợi nhuận của TEDI lần lượt đạt 872 tỷ đồng và 42,8 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt 1.003 tỷ đồng với nợ phải trả chiếm 72% (tương ứng 727 tỷ đồng). Phần lớn nợ phải trả là khoản người mua trả tiền trước với quy mô 398,1 tỷ đồng.

Chuyên đề