Bước tiến mới trong cơ cấu lại ngân hàng yếu kém

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau 9 năm thực hiện mua lại bắt buộc, 3 ngân hàng 0 đồng gồm Ngân hàng Xây dựng (CB), Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) đã hoàn tất khâu định giá, dự kiến chuyển giao xong trong năm nay. Đây là kết quả mới nhất của hoạt động cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, mở ra kỳ vọng về bước tiến thực chất hơn trong lành mạnh hóa sức khỏe tài chính ngành ngân hàng.
Ngân hàng Xây dựng (CB), Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) dự kiến được chuyển giao trong năm nay. Ảnh: Tường Lâm
Ngân hàng Xây dựng (CB), Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) dự kiến được chuyển giao trong năm nay. Ảnh: Tường Lâm

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ đã định giá xong 3 ngân hàng được mua bắt buộc và dự kiến hoàn tất việc chuyển giao bắt buộc trong năm nay.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ quan này sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 (Đề án 689) đã được cụ thể hóa tại Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là triển khai chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các TCTD yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các TCTD, từng bước phục hồi; hướng dẫn TCTD xây dựng, phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 nhằm bảo đảm phù hợp với mục tiêu, định hướng nêu tại Đề án 689. Đến nay, các TCTD đã xây dựng và gửi NHNN phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.

Trong số 5 ngân hàng/TCTD được kiểm soát đặc biệt, gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank), CB, Oceanbank, GPBank và SCB, NHNN đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng. NHNN đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện những công việc tiếp theo để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại theo trình tự, thủ tục quy định. Đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), NHNN đã báo cáo Thủ tướng về chủ trương xử lý và tham gia cơ cấu lại của nhà đầu tư để khẩn trương trình Chính phủ phương án cơ cấu lại SCB.

Một trong các ngân hàng yếu kém dự kiến sẽ được chuyển giao về Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank). Trả lời câu hỏi của cổ đông mới đây về tiến độ nhận chuyển giao ngân hàng bắt buộc, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MBBank cho biết, MBBank đã hoàn thành phương án nhận chuyển giao bắt buộc 1 ngân hàng thương mại. “MBBank hy vọng trong năm 2024 -2025, việc nhận chuyển giao bắt buộc sẽ hoàn thành. Sau khi nhận chuyển giao, Ngân hàng sẽ có thêm không gian tăng trưởng mới”, ông Ánh nói.

Cần tăng cường giám sát, quản trị rủi ro bằng công nghệ để tránh phát sinh thêm ngân hàng yếu kém. Ảnh: Tường Lâm

Cần tăng cường giám sát, quản trị rủi ro bằng công nghệ để tránh phát sinh thêm ngân hàng yếu kém. Ảnh: Tường Lâm

TS. Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, thông thường, một ngân hàng đang phát triển tốt không muốn nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém bởi lợi ích nhận được chưa rõ ràng, trong khi sự phức tạp và rủi ro của công tác quản trị thì được nhận diện rõ. Do đó, từ lúc mua lại các ngân hàng 0 đồng, phải mất 9 năm mới hoàn tất định giá, riêng quá trình định giá mất đến 2 năm cho thấy, việc hoàn tất định giá là một dấu mốc quan trọng để quá trình chuyển giao nhanh chóng hơn, đồng thời tạo tiền đề cho việc thực hiện tái cơ cấu những ngân hàng tiếp theo.

“Việc chuyển giao 3 ngân hàng yếu kém đã hoàn tất định giá nếu diễn ra trong năm nay sẽ là cột mốc mới của tiến trình phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam. Số lượng ngân hàng được thu gọn hơn, nhưng chất lượng được cải thiện. Nỗ lực này cũng khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc xử lý các ngân hàng yếu kém, lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng theo hướng hiện đại, bền vững”, ông Linh nói.

Với 2 ngân hàng yếu kém còn lại, việc xử lý có thể cần thêm thời gian bởi quy mô lớn và nhiều vấn đề phức tạp. Để đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại, ông Linh kiến nghị, Nhà nước nên tính đến việc cho phép nâng tỷ lệ sở hữu vốn ngoại tại các ngân hàng này lên mức cao hơn nữa. “Đồng thời, để ngăn phát sinh thêm các trường hợp rủi ro, cần kích hoạt chức năng giám sát tự động bằng công nghệ mới với công nghệ quản trị rủi ro hiện đại, kịp thời và hiệu quả, ngăn chặn các vụ việc đáng tiếc trước khi quá muộn”, ông Linh nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, chuyển giao các ngân hàng yếu kém là quá trình phức tạp, khó khăn bởi các khác biệt về quản trị, văn hóa điều hành, vướng mắc về lợi ích và đòi hỏi nguồn lực lớn. Thông thường, các ngân hàng tiếp nhận những ngân hàng yếu kém sẽ được một số quyền lợi, chẳng hạn được tăng trưởng tín dụng với tỷ lệ cao hơn các ngân hàng khác, được chiết khấu vay trên thị trường mở với tỷ lệ cao hơn… Vì thế, để đẩy nhanh quá trình này, ông Huân đề xuất cần có cơ chế hỗ trợ tăng vốn cho các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc, khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia bằng việc nới room ngoại lên mức 49%, để thu hút nguồn lực quốc tế tham gia cải thiện hiện trạng yếu kém của một số TCTD.

Một số chuyên gia đề xuất, cần đẩy mạnh phát triển công nghệ ngân hàng, chuyển đổi số, quản trị rủi ro bằng công nghệ và tự động hóa để giám sát thường xuyên, thực chất sức khỏe tài chính các TCTD. Đây là yêu cầu tiên quyết để hạn chế, ngăn chặn các rủi ro đến từ con người.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư