Báo động sức khỏe tài chính nhiều doanh nghiệp xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kết thúc năm 2022, sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp - nhà thầu xây dựng lớn xấu đi rõ rệt, với lợi nhuận từ mảng kinh doanh chính suy giảm; dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm trong khi quy mô vốn lưu động tăng, phải tăng vay nợ để bù đắp dẫn đến chi phí lãi vay tăng cao. Với bối cảnh hiện tại, việc tìm lời giải cho bài toán duy trì lợi nhuận, bảo toàn nền tảng tài chính đang là thách thức lớn với các doanh nghiệp này…
Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ghi nhận lỗ 1.140 tỷ đồng năm 2022. Ảnh: Lê Tiên
Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ghi nhận lỗ 1.140 tỷ đồng năm 2022. Ảnh: Lê Tiên

Khó khăn in hằn trong các con số

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Xây dựng Hòa Bình) là một trong những doanh nghiệp gây bất ngờ cho hàng nghìn cổ đông khi công bố lỗ nghìn tỷ đồng năm 2022. Cụ thể, năm 2022 mặc dù doanh thu thuần của Xây dựng Hòa Bình tăng 26% so với năm 2021, nhưng giá vốn tăng cao khiến biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 1,8%, giảm đến 5,27 điểm phần trăm so với 2021, lợi nhuận gộp theo đó giảm đến 68% về giá trị. Trong khi đó, một loạt khoản chi phí như lãi vay, lỗ bán khoản đầu tư và trích lập dự phòng tăng mạnh, khiến lợi nhuận sau thuế lỗ 1.140 tỷ đồng, ghi nhận năm thua lỗ đầu tiên sau 16 năm Xây dựng Hòa Bình niêm yết trên TTCK Việt Nam.

Không chỉ thua lỗ, dòng tiền hoạt động kinh doanh của Xây dựng Hòa Bình cũng âm 844,7 tỷ đồng năm 2022, đảo chiều từ thặng dư 612 tỷ đồng trong năm 2021. Ngoài lợi nhuận giảm, nguyên nhân còn đến từ sự gia tăng của quy mô vốn lưu động, nhất là sự gia tăng các khoản phải thu, dẫn đến Tập đoàn phải tăng vay nợ ròng thêm 1.032 tỷ đồng. Tổng dư nợ vay đến cuối năm 2022 là 6.130 tỷ đồng, chiếm 36,2% cơ cấu nguồn vốn. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu tăng lên 2,32 lần. Nợ vay tăng cùng môi trường lãi suất cao khiến chi phí lãi vay tăng 74% trong năm 2022, lên tới 521 tỷ đồng, gấp 2 lần giá trị lợi nhuận gộp.

Không thua lỗ, nhưng kết quả kinh doanh của nhà thầu Coteccons (CTCP Xây dựng Coteccons) cũng kém khả quan, với lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 vỏn vẹn 21 tỷ đồng, thấp nhất trong nhiều năm nay.

Trong năm 2022, dù doanh thu thuần của Coteccons tăng 60% so với 2021 nhờ khối lượng công việc bị dồn lại trong 2 năm dịch bệnh, nhưng các chi phí nguyên vật liệu tăng cao đã kéo biên lợi nhuận gộp giảm sâu. Việc thoát lỗ cả năm chủ yếu đến từ tăng trưởng ở khoản hoàn nhập chi phí công trình, được ghi vào lợi nhuận khác.

Nhiều năm qua, Coteccons nổi bật trong ngành xây dựng với cấu trúc tài chính mạnh, nguồn tiền gửi ngân hàng dự trữ lên đến hàng nghìn tỷ đồng và không sử dụng nợ vay, nhưng bức tranh tài chính của Coteccons đã xấu đi khi số dư tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn và trái phiếu nắm giữ giảm từ 2.400 tỷ đồng đầu năm xuống 1.592 tỷ đồng cuối năm 2022. Trong khi đó, nợ vay năm 2022 tăng gần 1.077 tỷ đồng, đẩy chi phí lãi vay cả năm lên 79,1 tỷ đồng từ mức 1,1 tỷ đồng của 2021. Sự sụt giảm trong vị thế tiền ròng này là để bù đắp cho dòng tiền kinh doanh âm đến 1.626 tỷ đồng trong năm 2022, cũng do quy mô vốn lưu động tăng lên.

Tại CTCP Hưng Thịnh Incons (Hưng Thịnh Incons), lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất giảm 11% so với 2021, lợi nhuận sau thuế giảm 63%. Trong năm, dòng tiền kinh doanh của Công ty âm 1.011 tỷ đồng. Để bù đắp lại, Công ty phải tăng vay nợ thêm 29,3% so với đầu năm, với số dư nợ vay ngắn hạn đến cuối năm là 2.537 tỷ đồng, chiếm 28% cơ cấu nguồn vốn, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu tăng lên 1,7 lần. Chi phí lãi vay trong năm 2022 tăng 30% so với năm 2021, tương đương 75% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (không bao gồm hoạt động tài chính tạo ra).

CTCP Ricons (Ricons) là doanh nghiệp xây dựng hiếm hoi ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 13,3% trong năm 2022, nhưng động lực tăng trưởng lại đến từ tăng doanh thu hoạt động tài chính, đầu tư và thu nhập khác, trong khi lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính vẫn sụt giảm.

Lợi nhuận sụt giảm, dòng tiền kinh doanh âm hoặc thặng dư không đáng kể, nợ vay và chi phí lãi vay tăng cao là câu chuyện ghi nhận tại báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp khác trong ngành xây dựng như CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings, CTCP FECON…

Rủi ro ẩn trong những khoản phải thu nghìn tỷ

Tính đến cuối năm 2022, giá trị các khoản phải thu ngắn hạn của Xây dựng Hòa Bình là 12.110 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Đây đang là khoản mục lớn nhất trong cơ cấu tài sản, với tỷ lệ 71,6%. Trong đó, có 6.773 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng và 3.661 tỷ đồng phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng.

Tại Coteccons, tình hình cũng không khả quan hơn. Giá trị các khoản phải thu ngắn hạn đến cuối năm 2022 tăng 31,3% so với đầu năm, chiếm 59,2% trong cơ cấu tài sản, chủ yếu gia tăng ở khoản mục phải thu ngắn hạn từ khách hàng với giá trị 10.926,6 tỷ đồng đến cuối năm, tăng 33,9% so với đầu năm. Giá trị nợ xấu đến cuối năm cũng tăng 16,9% lên 1.322,6 tỷ đồng. Chi phí trích lập dự phòng trong năm lên đến 388 tỷ đồng, nhưng Công ty vẫn còn 326,7 tỷ đồng nợ xấu chưa được trích lập dự phòng.

Với Ricons, Phục Hưng Holdings hay Hưng Thịnh Incons, dù nợ xấu và chi phí dự phòng chưa gia tăng trong năm qua, nhưng việc khoản phải thu tăng về giá trị và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tài sản. Thực tế này ẩn chứa nhiều rủi ro trong bối cảnh ngành bất động sản rơi vào tình trạng khó khăn, nhiều chủ đầu tư mất cân đối về dòng tiền, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán cho các doanh nghiệp - nhà thầu xây dựng.

Đến cuối năm 2022, khoản phải thu ngắn hạn của Phục Hưng Holdings chiếm 47,8% cơ cấu tài sản. Tại Ricons, khoản phải thu ngắn hạn chiếm 56,7% tổng tài sản, với giá trị 4.656 tỷ đồng, trong đó phải thu từ khách hàng là 4.260 tỷ đồng, tăng 12,8% so với đầu năm. Tại Hưng Thịnh Incons, giá trị phải thu cuối năm là 6.449 tỷ đồng, chiếm 71% tổng tài sản và tăng 17,5% so với đầu năm.

CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định, 2023 là một năm khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng dân dụng, do nhu cầu thấp và áp lực cạnh tranh tăng cao cùng rủi ro trích lập dự phòng phải thu đáng kể. Với bức tranh sức khỏe tài chính như trên, việc tìm lời giải cho bài toán duy trì lợi nhuận, bảo toàn nền tảng tài chính đang là thách thức rất lớn của các doanh nghiệp đầu ngành xây dựng hiện nay.

Chuyên đề