Bài học về hợp đồng nhìn từ 2 dự án bệnh viện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khi dự thầu, nhiều nhà thầu mắc lỗi chủ quan, hoặc có tâm thế chỉ cần trúng thầu, có được việc làm, xuề xòa khi ký hợp đồng, dẫn đến vướng mắc về sau. Trong bối cảnh thị trường vật liệu nhiều biến động, hợp đồng xây dựng lại rất phức tạp, nhà thầu cần cẩn trọng khi quyết định dự thầu, đặc biệt là khi ký hợp đồng.
2 dự án trọng điểm thuộc ngành y tế: Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
2 dự án trọng điểm thuộc ngành y tế: Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Một trong những trường hợp điển hình là 2 dự án trọng điểm thuộc ngành y tế: Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2. Trong nhiều lần báo cáo về những vướng mắc trong giải ngân đầu tư công, 2 dự án này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra làm ví dụ về vướng mắc liên quan đến hợp đồng, đơn giá gốc dẫn đến không có cơ sở thanh toán cho nhà thầu, dự án phải dừng thi công nhiều năm...

Theo tìm hiểu, một số gói thầu chính của 2 dự án ký hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC). Giá dự toán theo thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công của một số gói thầu so với giá trị hợp đồng ban đầu đã ký đều vượt trên 10% dự phòng. Tuy nhiên, theo quy định, việc quản lý chi phí hợp đồng EPC không được vượt giá hợp đồng EPC đã ký kết. Phần khối lượng phát sinh của một số gói thầu không có cơ chế để thanh toán…

Tại một hội thảo do Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam tổ chức gần đây, đề cập về 2 dự án này, ông Lê Văn Cư, Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng thuộc Bộ Xây dựng chia sẻ, nhiều gói thầu lỗi từ hợp đồng, lựa chọn hợp đồng EPC với dự án dân dụng là cách tiếp cận không chuẩn. Nhiều trường hợp chọn EPC vì muốn cho gọn, dẫn đến hiện nay không gỡ được.

Theo quy định pháp luật và thông lệ quốc tế, hợp đồng EPC được ưu tiên áp dụng đối với dự án phức tạp, có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao và phải tuân thủ chặt chẽ tính đồng bộ, thống nhất từ khâu thiết kế đến khâu cung cấp thiết bị, thi công, đào tạo chuyển giao công nghệ. Không phải trường hợp nào cũng nên áp dụng hợp đồng EPC, ví dụ công trình mà chủ đầu tư thực hiện được hầu hết các bước thiết kế hoặc chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn riêng đảm nhiệm; hay trong trường hợp thanh toán từng phần thì chủ đầu tư cũng không nên áp dụng loại hợp đồng này…

Một chuyên gia về xây dựng chia sẻ, thời gian vừa qua hợp đồng EPC áp dụng khá tràn lan, tùy tiện, dẫn đến nhiều hợp đồng EPC thất bại và có thể tranh chấp. Theo cách nói của chuyên gia này, nếu ký hợp đồng EPC mà người mua không biết mình mua gì, người bán cũng không biết bán gì, thì không thành công được.

Vướng mắc của 2 dự án trọng điểm ngành y tế nêu trên cũng là bài học cho nhà thầu cần phải cẩn trọng khi tham dự thầu, khi ký kết hợp đồng.

Tại hội thảo do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Bắc Thủy, Trưởng phòng Kinh tế đầu tư và Hợp đồng xây dựng, Cục Kinh tế xây dựng thuộc Bộ Xây dựng lưu ý, khi ký hợp đồng cần quan tâm điều kiện ký kết hợp đồng, loại giá hợp đồng và những tiềm ẩn rủi ro, điều kiện tạm ứng, thanh toán hợp đồng; yêu cầu về tiến độ, quyền và nghĩa vụ các bên, điều chỉnh hợp đồng như thế nào… Hợp đồng trọn gói nên áp dụng khi đủ điều kiện xác định rõ về khối lượng và đơn giá. Trong trường hợp hợp đồng EC, EP, PC, PC, EPC và chìa khóa trao tay chưa xác định đủ khối lượng, đơn giá thì các bên phải có đủ năng lực và kinh nghiệm để tính toán. Hợp đồng theo đơn giá cố định áp dụng khi đủ điều kiện xác định rõ về đơn giá; đơn giá phải tính toán đầy đủ các yếu tố rủi ro liên quan đến giá hợp đồng như trượt giá, chi phí dự phòng...

Theo ông Phạm Văn Khánh, Trưởng ban Kinh tế thuộc Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhà thầu phải nghiên cứu kỹ, xác định rõ những rủi ro có thể xảy ra. Ví dụ, khi nghiên cứu hồ sơ mời thầu, phải phân tích khi thực hiện có rủi ro gì, phạm vi công việc đã rõ chưa, quy trình thanh toán có tốt không, yêu cầu bảo hành ra sao, uy tín của chủ đầu tư, khả năng cấp vốn. Các chi phí về thiết bị, vật tư, khả năng biến động giá; tổng thời gian thực hiện hợp đồng, thời gian thực hiện trong năm vào mùa khô, mùa mưa, mùa lễ tết... đều phải phân tích kỹ.

Ở góc độ khác, một số nhà thầu chia sẻ, loại hợp đồng đã được người có thẩm quyền quyết định tại kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Khi tham gia đấu thầu, nhà thầu vì công ăn việc làm, cũng phải chấp nhận dù biết có rủi ro. Theo nhiều nhà thầu, một số dự án áp dụng dạng hợp đồng trọn gói hoặc hình thức đơn giá cố định trong bối cảnh vật liệu xây dựng tăng cao từ 20 - 35%, hợp đồng thì kéo dài 3 - 4 năm khiến cho các doanh nghiệp xây dựng rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Một số nhà thầu chia sẻ, mong mỏi người có thẩm quyền chọn loại hợp đồng phù hợp khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tránh tâm lý chỉ muốn an toàn cho mình mà đẩy rủi ro cho nhà thầu.

Chuyên đề