92,91% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật Giá (sửa đổi)

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với 459 đại biểu tán thành (chiếm 92,91% tổng số đại biểu tham gia), trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi).

Luật Giá (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý được Quốc hội thông qua gồm 8 Chương, 75 Điều quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng trong lĩnh vực giá; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá; điều khoản thi hành…

Luật Giá (sửa đổi) có nhiều điểm mới nhằm khắc phục một số hạn chế bất cập của luật hiện hành. Luật đã loại bỏ các quy định gây vướng mắc, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế; chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng thể hiện rõ hơn nữa nguyên tắc thị trường trong quản lý giá, nguyên tắc định giá của Nhà nước; làm rõ quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với việc tự định giá hàng hóa, dịch vụ của mình. Cùng với đó, Luật quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý giá; quy định đúng bản chất hoạt động thẩm định giá; trách nhiệm pháp lý của các bên trong thực hiện, giá trị pháp lý của các kết luận, chứng thư. Các quy định khác đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH.

Trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc Hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự án Luật Giá (sửa đổi).

Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh cho biết, tại Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Giá (sửa đổi). Các ĐBQH đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết và xác đáng. UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp với Cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ tất cả các ý kiến và chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua. Đến nay, cơ bản ý kiến của các vị ĐBQH đều tán thành với phương án tiếp thu, giải trình, chỉnh lý; một số ý kiến góp ý thêm nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc Hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự án Luật Giá (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc Hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự án Luật Giá (sửa đổi)

Về phạm vi, đối tượng áp dụng Luật, hầu hết ý kiến các vị ĐBQH tán thành với phạm vi, đối tượng áp dụng được quy định trong Dự thảo Luật.

Về công khai thông tin, theo Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh, có ý kiến đề nghị rà soát bổ sung quy định niêm yết giá là một hình thức công khai thông tin về giá. UBTVQH nhận thấy, đúng như ĐBQH nêu, niêm yết giá một mặt là hình thức công khai về giá.

Theo đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, chỉnh lý quy định tại khoản 1 Điều 29 Dự thảo Luật thành “Niêm yết giá là hình thức công khai về giá, giá niêm yết là giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ đó do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định bằng Đồng Việt Nam, trừ các trường hợp thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối...”

Về bình ổn giá, theo Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh, có ý kiến đề nghị đưa mặt hàng “điện” vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. UBTVQH cho rằng, về nguyên lý, biện pháp định giá là biện pháp điều tiết với mức độ cao nhất của Nhà nước đối với giá hàng hóa, dịch vụ để đảm bảo các mục tiêu về hạn chế vị thế độc quyền, đảm bảo đời sống người dân phù hợp với các bối cảnh kinh tế xã hội.

Theo quy định tại Điều 30 Luật Điện lực, việc xem xét định giá, điều chỉnh giá điện phải trên cơ sở các yếu tố chi phí, đồng thời phải xem xét đánh giá về mức độ điều chỉnh, thời gian điều chỉnh, bối cảnh điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ nhằm đảm bảo đời sống người dân, tạo động lực cho sản xuất phát triển.

Như vậy, khi thực hiện biện pháp định giá, Nhà nước đã tính đến mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên, trong đó đã có cả mục tiêu ổn định giá cả phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội. Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) tiếp tục kế thừa Luật hiện hành quy định mặt hàng điện thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và không quy định tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. “Vì vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho phép không quy định mặt hàng này tại Dự thảo Luật”, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh thông tin.

Với mặt hàng thịt lợn, UBTVQH cho rằng, tại thời điểm hiện nay Quốc hội cho phép không quy định mặt hàng này tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

Lý do là thịt lợn là mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cơ bản lớn trong đời sống của người dân. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ sử dụng thịt lợn trong cơ cấu bữa ăn của các gia đình có xu hướng giảm trong thời gian gần đây, chỉ ở mức 40-45% so với mức 65-70% như trước đây. Việc áp dụng bình ổn giá đồng nghĩa với việc phải kê khai giá, trong khi đó, kê khai giá thịt lợn là khó khả thi khi có rất nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh; giá biến động từng ngày đối với mặt hàng này và các cá nhân kinh doanh cơ bản sẽ khó thực hiện quy định kê khai giá như Dự thảo Luật quy định.

Hơn nữa, theo quy định hiện hành, mặt hàng “thịt lợn” không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và thực tế diễn biến thị trường trong thời gian qua cũng không đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đưa vào thực hiện bình ổn giá…

Chuyên đề