Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực chỉ đạt 4,9%; trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 26,1%; Thái Lan là 59,7% và Malaysia là 89%. Mặc dù, thương mại điện tử tại Việt Nam có mức phát triển thuộc top nhanh nhất trong khu vực, tuy nhiên, tỷ lệ thanh toán online rất thấp.
Ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho biết, 40% dân số Việt Nam hiện đã có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn có tới 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, và 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100.000 đồng.
"Người tiêu dùng Việt Nam coi trọng sử dụng tiền mặt là bởi những phương thức thanh toán này rất nhanh, thuận tiện, không phức tạp và được chấp nhận ở mọi nơi. Ngoài ra phương pháp thanh toán này giúp họ quản lý ngân sách mà không có chi phí phát sinh, người dùng cho rằng thanh toán bằng tiền mặt đảm bảo an toàn, riêng tư bởi nó không để lại dấu vết của giao dịch và không lộ thông tin cá nhân", ông Tuấn phân tích.
Từ 90% xuống dưới 10% trong 3 năm liệu có quá sức?
Theo đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt bởi Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%, toàn thị trường có trên 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt.
Thế nhưng, chỉ còn chưa đầy 3 năm, từ con số 90% thanh toán tiền mặt giảm xuống mục tiêu dưới 10% là không hề đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của hệ thống ngân hàng, các công ty tài chính công nghệ cũng như các chính sách hỗ trợ quyết liệt của Chính phủ.
Thanh toán phi tiếp xúc được coi như một trong những trụ cột xây dựng Chính phủ điện tử. Do đó, Việt Nam muốn xây dựng thành công Chính phủ điện tử, thì buộc phải triển khai tốt hình thức thanh toán phi tiếp xúc.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, để thúc đẩy việc thanh toán phi tiền mặt ở Việt Nam, các ngân hàng cần đồng bộ các công nghệ và giải pháp thanh toán mới, tăng tính tiện ích, đồng thời tăng cường giải pháp an ninh bảo mật thông tin khách hàng. Có như vậy mới khiến khách hàng tin tưởng, từ đó thay đổi nhận thức trong vấn đề thanh toán tiền mặt.
Không có tư duy kinh doanh mới sẽ tự đào thải
Ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Chính phủ phải là người kiến tạo hệ sinh thái, môi trường phù hợp với thời đại, là người bảo trợ, tiên phong sử dụng các sản phẩm, dịch vụ mới.
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, bước nhảy công nghệ hiện chỉ còn 10 năm thay vì 20 năm như trước đây. Các doanh nghiệp nếu không có tư duy kinh doanh mới sẽ bị tụt hậu và đào thải.
"Trong điều kiện nền kinh tế chia sẻ, các doanh nghiệp phải có mối liên kết để tạo ra sức mạnh tổng hợp giữa một bên là fintech, một bên là các doanh nghiệp ngân hàng tài chính để có thể tồn tại và phát triển", Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết.
Về vấn đề bảo mật, ông Hà Thế Phương, Phó Tổng Giám đốc CMC InfoSec cho rằng, việc bảo mật thông tin khách hàng đòi hỏi tính chuyên môn cũng như kỹ năng chuyên nghiệp xử lý các vấn đề về an toàn thông tin.
"Với các yêu cầu kỹ thuật đặc thù, ngân hàng rất khó để tự triển khai. Việc sử dụng mô hình thuê ngoài là cần thiết và giúp giảm tới 70% chi phí tự triển khai cho các ngân hàng", ông Phương lưu ý.
Giới chuyên gia nhận định, để tạo thuận lợi cho việc hợp tác xuyên suốt giữa các bên, thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt, Việt Nam cần có chính sách cụ thể, hoàn thiện giải pháp trao đổi thông tin dữ liệu giữa các cơ quan trong lĩnh vực tài chính, triển khai việc thanh toán giao thông công cộng qua dịch vụ thẻ và thiết lập mã QR chuẩn cho thị trường Việt Nam./.