Tia hy vọng phục hồi của cộng đồng doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những diễn biến bất lợi của tình hình kinh tế thế giới và trong nước đã tác động đến hoạt động đăng ký doanh nghiệp (DN) của Việt Nam trong quý I/2023. Lần đầu tiên trong lịch sử, số lượng DN rút lui khỏi thị trường trong quý I cao hơn số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng tích cực trong bức tranh này cho thấy hy vọng về sự phục hồi và phát triển của cộng đồng DN.
Quý I/2023, 8/9 ngành nghề có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với quý I/2022. Ảnh: Tiên Giang
Quý I/2023, 8/9 ngành nghề có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với quý I/2022. Ảnh: Tiên Giang

Khó khăn bào mòn “sức khỏe” của doanh nghiệp

Bức tranh đăng ký thành lập DN trong tháng 3 và quý I/2023 vừa được cơ quan quản lý đăng ký DN công bố cho thấy, những khó khăn, thách thức của kinh tế đã ảnh hưởng nặng nề tới “sức khỏe” của DN trong nước. Lần đầu tiên trong giai đoạn quý I từ trước đến nay, số DN rút lui khỏi thị trường (60.241 DN) cao hơn số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường (56.946 DN).

Cụ thể, trong quý I/2023, cả nước có 33.905 DN thành lập mới, gấp 1,1 lần mức bình quân giai đoạn 2018 - 2022 (29.767 DN), nhưng giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022. Số vốn đăng ký đạt 310.331 tỷ đồng, giảm 34,1% so với quý I/2022. Trong các vùng kinh tế, Đồng bằng sông Hồng là khu vực duy nhất có sự gia tăng về số DN đăng ký thành lập mới so với cùng kỳ năm 2022.

Có 8/9 ngành nghề có số lượng DN thành lập mới giảm so với quý I/2022. Cụ thể, kinh doanh bất động sản giảm 63,2%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm 36,4%; khai khoáng giảm 21,2%; vận tải, kho bãi giảm 16,5%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 14,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 13,2%; sản xuất, phân phối điện, nước, gas giảm 11,6%; xây dựng giảm 5%.

Trong quý I có 23.041 DN quay trở lại thị trường, gấp 1,5 lần mức bình quân giai đoạn 2018 - 2022 (15.727 DN) nhưng giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó có tới 60.241 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022, phần lớn lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 71,1%).

Qua rà soát sơ bộ các khó khăn, vướng mắc của DN, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chỉ ra, bên cạnh khó khăn lớn trong tiếp cận nguồn vốn, DN đang phải đối mặt với khó khăn do những quy định kinh doanh gây nên. Đơn cử như quy định về phòng cháy chữa cháy có nhiều tiêu chuẩn ngặt nghèo liên quan đến vật liệu chống cháy khiến DN khó đáp ứng trong bối cảnh thiếu vốn, giá cả vật tư tăng mạnh. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời), hiện có hàng chục nhà đầu tư “kêu cứu” vì những chính sách mới được ban hành có thể đẩy nhà đầu tư đối mặt với nguy cơ thua lỗ, phá sản…

Ngược dòng gian khó

Dù khó khăn, thách thức gia tăng, vẫn có những điểm sáng tích cực cho thấy hy vọng về sự phục hồi và phát triển của DN trong năm 2023.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 3, cả nước có 20.507 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức kỷ lục trong tháng 3 từ trước đến nay.

Tháng 3/2023 cũng là tháng có số DN đăng ký thành lập mới (14.221 DN) và số vốn đăng ký mới (145.665 tỷ đồng) cao nhất kể từ tháng 5/2022 đến nay.

“Việc tái lập cột mốc hơn 14.000 DN gia nhập thị trường trong một tháng phần nào cho thấy nỗ lực của cộng đồng DN trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận xét.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh (hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu nông sản) cho hay, trong bối cảnh nhiều DN giảm đơn hàng xuất khẩu thì Phúc Sinh vẫn có sự tăng trưởng rất tốt trong những tháng đầu năm 2023. Bí kíp để Phúc Sinh có được thành công này là luôn chuyển động nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, bên cạnh khai thác lợi thế đã có.

Trước nhiều khó khăn hiện hữu, nhằm hỗ trợ DN phục hồi và phát triển, bà Thảo cho rằng, việc thực thi các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, bởi đây chính là “trợ lực” quan trọng hỗ trợ cộng đồng DN.

Tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) diễn ra mới đây, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ mong muốn Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN thông qua tập trung cải cách thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn gây phiền hà cho DN như: đất đai, thuế, xây dựng… Đồng thời, tiếp tục giảm thiểu gánh nặng thanh tra, kiểm tra DN theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN.

Chuyên đề