Khi hoàn thành, tuyến đường nối Đại lộ Thăng Long với cao tốc Hà Nội - Hòa Bình sẽ góp phần tạo động lực phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc và chuỗi đô thị vệ tinh phía Tây Hà Nội. Ảnh: Lê Tiên |
Cấp tập giải phóng mặt bằng
Cán bộ của UBND thành phố Hà Nội cho biết, tổng diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) của Dự án gần 106 ha (trong đó 30% diện tích đất thu hồi là đất công, không phải GPMB); dự kiến tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ GPMB và tái định cư của Dự án khoảng 2.700 tỷ đồng (chiếm hơn 50% tổng mức đầu tư Dự án). Công tác GPMB của Dự án được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất thực hiện, gồm cả việc di chuyển hạ tầng kỹ thuật và phá dỡ các công trình thuộc phạm vi GPMB (nằm ở địa phận 3 xã: Yên Bình, Tiến Xuân và Thạch Hòa, huyện Thạch Thất). Hiện nay, Tổ công tác của UBND huyện Thạch Thất đang nỗ lực kiểm đếm tài sản trên đất thuộc diện thu hồi, lên phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) công trình dân dụng Hà Nội cho biết, trong số hơn 100 ha diện tích cần GPMB phục vụ thi công Dự án, có 27,27 ha đất quốc phòng. UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Quốc phòng đề nghị được nhanh chóng thu hồi đất quốc phòng để triển khai Dự án.
Tại Lễ khởi công Dự án diễn ra ngày 10/10/2023, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu, UBND huyện Thạch Thất đôn đốc, bám sát và chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất Huyện phối hợp với các sở, ngành của Thành phố đẩy nhanh tiến độ GPMB, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công sớm nhất có thể.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Liên danh Công ty CP Đầu tư Năng lượng - Xây dựng - Thương mại Hoàng Sơn - Công ty CP Xây dựng giao thông Long Thành - Công ty CP Tư vấn xây dựng giao thông Hà Nội - Công ty CP Tư vấn và Đầu tư hạ tầng Việt Nam cho biết, nếu có đầy đủ mặt bằng sạch, Liên danh nhà thầu có thể rút ngắn đáng kể thời gian công Gói thầu số 31 Lập thiết kế bản vẽ thi công và thi công xây dựng tuyến đường đoạn từ Km1+680 đến Km3+360, chỉ khoảng hơn 12 tháng là hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc của Gói thầu.
Tạo động lực phát triển và tăng kết nối phía Tây Hà Nội
Ban QLDA ĐTXD công trình dân dụng Hà Nội cho biết, Dự án có 2 gói thầu xây lắp lớn (Gói thầu số 31 và Gói thầu số 32) với tổng giá trị dự toán hơn 1.700 tỷ đồng. Hiện nay, việc lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 31 đã hoàn tất, sau Lễ khởi công, nhà thầu sẽ dồn các nguồn lực để triển khai ngay. Hiện tại, Chủ đầu tư đang làm thủ tục để chuẩn bị mời thầu Gói thầu số 32 Lập thiết kế bản vẽ thi công và thi công xây dựng tuyến đường đoạn từ Km0+00 đến Km1+680 và từ Km3+360 đến Km6+700 trong quý IV/2023. Thời gian thực hiện Gói thầu số 32 là 30 tháng.
Theo thiết kế, toàn công trình sẽ xây dựng 4 cây cầu (cầu vượt sông, cầu đường ngang) và 5 công trình hầm (gồm 1 hầm chui trực thông dọc tuyến chính phục vụ thành phần đường cao tốc và 4 hầm chui dân sinh ngang đường). Đây là công trình giao thông cấp đặc biệt, nhóm A, có bề rộng 52,5 m, quy mô 6 làn xe, giải phân cách giữa rộng 20 m và có đường gom song hành.
Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình là công trình giao thông trọng điểm của Thành phố trong giai đoạn 2021 - 2025. Việc đầu tư xây dựng công trình này sẽ đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Tây và kết nối với tuyến đường Hồ Chí Minh, kết nối các tỉnh phía Tây và Tây Nam với Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh đó, tuyến đường này sẽ nối thông các trục giao thông huyết mạch từ Đại lộ Thăng Long tới cao tốc Hà Nội - Hòa Bình thuộc tuyến cao tốc Hà Nội - Mộc Châu - Sơn La theo quy hoạch đường cao tốc quốc gia, tăng cường kết nối 5 chùm đô thị vệ tinh của Thủ đô gồm: Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên.