Tại Mỹ, yếu tố kích hoạt sự “lệch pha” và dẫn đến đổ vỡ một số ngân hàng là lãi suất tăng quá nhanh và mạnh trong thời gian hết sức ngắn. Ảnh Huyền Trang |
PHẢN ỨNG NHANH VÀ QUYẾT LIỆT
Tháng 3 năm 2023 chắc sẽ đi vào lịch sử khi liên tiếp 3 ngân hàng của Mỹ phải đóng cửa vì mất thanh khoản. Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân chính là quản trị yếu kém của ngân hàng và cơ chế giám sát chưa chặt chẽ của cơ quan chức năng. Xin chia sẻ quan điểm của ông?
Sự việc 3 ngân hàng của Mỹ “đóng cửa” cho thấy một số điểm đáng chú ý. Trước hết, hệ thống ngân hàng vốn đã khó khăn sau 3 năm chống chọi Covid-19 lại càng suy yếu với đợt tăng lãi suất cao liên tục của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), từ đó gây ra những “rạn nứt” ngầm và điểm nào, khâu nào yếu nhất thì đổ vỡ đầu tiên.
Tại Mỹ, sau khủng hoảng tài chính năm 2008, hệ thống ngân hàng đã có nhiều động thái củng cố hệ thống pháp lý, bao gồm việc hạn chế cho vay chéo và đặc biệt hạn chế ngân hàng trong việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp - một trong những lý do dẫn đến khủng hoảng nợ dưới chuẩn năm 2008. Sự đổ vỡ lần này phần lớn là do chính sách tiền tệ thắt chặt quá mức, làm rạn nứt hệ thống, đặc biệt ở những ngân hàng mà danh mục đầu tư không đa dạng và yếu về thanh khoản. Điểm tích cực là chính quyền Mỹ đã ngay lập tức có phản ứng rất nhanh và thiết thực, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền để khôi phục lòng tin thị trường, ngăn chặn được đà tháo chạy, để từ đó dần tìm ra các biện pháp khắc phục hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á |
Có ý kiến cho rằng một phần nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của các ngân hàng ở Mỹ là do việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn quá mức kiểm soát?
Ý kiến này đúng, đó là sự không đa dạng hóa các khoản đầu tư. Tuy nhiên, yếu tố kích hoạt sự “lệch pha” và dẫn đến đổ vỡ là lãi suất tăng quá nhanh và mạnh trong thời gian hết sức ngắn, còn sự lệch pha kỳ hạn không hẳn là quá bất hợp lý với những ngân hàng đầu tư vào các lĩnh vực có rủi ro cao như đầu tư cho các startup.
Một trong những điểm quan trọng để khắc phục sự lệch pha kỳ hạn trên các thị trường tài chính là phát triển thị trường vốn. Ở các nền kinh tế phát triển, thị trường vốn đóng vai trò rất quan trọng trong việc huy động vốn trung và dài hạn. Tại những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, khi chức năng huy động vốn này chưa được vận hành hiệu quả thì các doanh nghiệp vẫn trông cậy nhiều vào tín dụng ngân hàng. Do đó, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn ngắn hạn của ngân hàng cho vay trung và dài hạn là cần thiết.
Năm ngoái, Ngân hàng SCB cũng rơi vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản song Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kịp thời hỗ trợ và tránh tình trạng tồi tệ hơn. Xin ông phân tích sự khác biệt trong cách xử lý giữa tình huống của Mỹ và Việt Nam?
Việc xử lý tình huống của Mỹ và Việt Nam tương đối giống nhau. Thực tế, phản ứng của Chính phủ Việt Nam luôn nhanh và quyết liệt. SCB được hỗ trợ thanh khoản kịp thời, quyền lợi người gửi tiền được bảo đảm và chỉ một thời gian ngắn sau đó, nhiều người đã quay lại gửi tiết kiệm ở ngân hàng này.
Điểm khác nhau có thể là ở yếu tố kích hoạt. Trong khi ở Mỹ là lãi suất tăng nhanh và mạnh dẫn đến sự đổ vỡ của 3 ngân hàng, còn ở Việt Nam là những vụ việc liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tạo kẽ nứt trong hoạt động kinh doanh và phát sinh vấn đề khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất ổn. Cách xử lý kịp thời và việc tăng cường cơ chế giám sát chặt chẽ đã giải quyết tình thế một cách ổn thỏa. Nhưng vấn đề lòng tin của nhà đầu tư vào kênh trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ vẫn cần phải có những biện pháp cụ thể hơn.
Tại những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, khi chức năng huy động vốn này chưa được vận hành hiệu quả thì các doanh nghiệp vẫn trông cậy nhiều vào tín dụng ngân hàng. Do đó, giám sát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn mà ngân hàng huy động được cho vay trung và dài hạn là cần thiết.
Về trái phiếu doanh nghiệp, có thể thấy, phản ứng chính sách của các cơ quan chức năng là nhanh nhưng chưa thực sự hiệu quả. Chỉ sau 1 năm thực hiện Nghị định 153/2020, khi nhận thấy nhiều điểm bất cập, cơ quan chức năng đã sửa đổi và ban hành Nghị định 65/2022 nhưng các sửa đổi vừa thực hiện thì đã phát sinh bất cập chỉ sau một thời gian ngắn và buộc phải sửa đổi bằng Nghị định 08/2023 đầu năm nay. Tuy nhiên, một số nội dung tại Nghị định 08 vẫn cần xem xét lại. Về xếp hạng tín nhiệm, việc trì hoãn yêu cầu bắt buộc phải đánh giá xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ khiến những doanh nghiệp chưa đủ tiêu chuẩn vẫn có thể phát hành, điều này sẽ tiếp tục tạo ra các khoản nợ trái phiếu doanh nghiệp dưới chuẩn trong tương lai, làm tăng rủi ro nợ xấu. Mặt khác, việc có xếp hạng tín nhiệm sẽ là cơ sở quan trọng để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, khi đó họ mới mua và các doanh nghiệp mới có thể tiếp tục phát hành trái phiếu để thu hút vốn cho đầu tư hoặc đảo nợ.
Bên cạnh đó, quy định hoán đổi tài sản không dễ thực hiện. Bởi lẽ, những tài sản hoặc chưa có trên giấy tờ, hoặc chưa đủ điều kiện pháp lý sẽ rất khó định giá hoặc khó thống nhất giá giữa trái chủ và đơn vị phát hành.
Tại châu Á, Việt Nam gần như là nước đầu tiên chuyển từ siết chặt tiền tệ, tăng lãi suất, sang trạng thái nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất. Ảnh: Huyền Trang |
BƯỚC ĐI ĐÓN ĐẦU VÀ TÁO BẠO
Sau sự đổ vỡ của 3 ngân hàng Mỹ, cả thế giới nín thở chờ động thái của Fed với nhiều ý kiến dự đoán cơ quan này tiếp tục tăng lãi suất ở mức thấp, khoảng 0,25 điểm %. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm %. Trong khi đó, NHNN vừa quyết định giảm lãi suất điều hành. Ông bình luận gì về động thái này?
Đó là thông điệp của cơ quan điều hành từ việc siết chặt sang nới lỏng tiền tệ. Tại châu Á, Việt Nam gần như là nước đầu tiên chuyển từ siết chặt tiền tệ, tăng lãi suất, sang trạng thái nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất (trừ trường hợp ngoại lệ tại Trung Quốc và Nhật).
Trong bối cảnh đó, quyết định hạ lãi suất của NHNN mới đây là bước đi đón đầu và táo bạo bởi ba lý do.
Thứ nhất, trên thế giới đã xuất hiện dấu hỏi về sự đúng đắn của chính sách thắt chặt tiền tệ quá mạnh và nhanh để chống lạm phát, trong khi an ninh hệ thống bị đe dọa do thanh khoản bị siết chặt quá đà. Do vậy, quyết định chuyển hướng chính sách tiền tệ của Việt Nam dường như là bước đi chủ động trong bối cảnh này.
Thứ hai, những vấn đề đang xảy ra với Việt Nam như thị trường trái phiếu doanh nghiệp và rủi ro với hệ thống tài chính lại không xảy ra với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Thị trường tài chính Việt Nam hiện nay chịu nhiều sức ép hơn các nước ở Đông Nam Á. Điều này cũng lý giải tại sao chính sách tiền tệ của Việt Nam phải có những bước đi trước và khác với xu thế chung trong khu vực.
Thị trường tài chính Việt Nam hiện nay chịu nhiều sức ép hơn các nước ở Đông Nam Á. Điều này cũng lý giải tại sao chính sách tiền tệ của Việt Nam phải có những bước đi trước và khác với xu thế chung trong khu vực.
Thứ ba, Việt Nam quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ trong khi vẫn bị sức ép hết sức lớn từ lạm phát và nợ xấu. Cho dù các yếu tố như giá xăng dầu, vật liệu xây dựng có xu hướng hạ nhiệt, áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm vẫn lớn. Mặt khác, nợ xấu cũng đang có xu hướng tăng cao, nợ xấu gộp của cả hệ thống ngân hàng tính đến cuối năm 2022 đã ở mức 4,5%. Thực trạng này khiến dư địa của chính sách tiền tệ đã trở nên rất hạn hẹp và trong bối cảnh đó, việc hạ lãi suất điều hành là bước đi táo bạo.
Hiện nguồn vốn cho nền kinh tế đang nằm ở hai khu vực là đầu tư công và tín dụng. Nguồn vốn đầu tư công sẵn có và dồi dào nhưng giải ngân chậm nên chưa hỗ trợ kịp thời cho nền kinh tế. Trong khi đó, vốn tín dụng hạn chế lại thêm sức ép lạm phát và nợ xấu nhưng vẫn phải gánh thêm nhiệm vụ nới lỏng tiền tệ. Hay nói cách khác, một bên thì “bơm mãi chẳng ra”, một bên thì “đã bơm cạn kiệt vẫn bị ép bơm tiếp”. Trong trường hợp để đến giữa năm và cuối năm bên “bơm mãi chẳng ra” mới bơm được lượng lớn tiền ra nền kinh tế thì lại dễ tác động bất lợi đến lạm phát. Do đó, cần xem lại vấn đề phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ để tránh những hệ lụy trong dài hạn.
Trong khi nguồn vốn tín dụng khó khăn thì gói hỗ trợ lãi suất 2% hầu như không giải ngân được. Có ý kiến đề xuất nên chuyển gói hỗ trợ lãi suất này sang cho vay nhà ở xã hội, ông có đồng tình với đề xuất này không, thưa ông?
Việc chuyển sang cho vay nhà ở xã hội sẽ gây khó khăn trong thực thi, giám sát và quyết toán về sau, đặc biệt khi mục đích là khác nhau, cơ chế thực hiện và giám sát cũng khác nhau.
Với Việt Nam, nhu cầu thật sự ở phân khúc nhà ở trung cấp là hết sức lớn. Đây là một điều kiện để phát triển lĩnh vực bất động sản trong tương lai.. Ảnh: Huyền Trang |
TRIỂN VỌNG TÍCH CỰC
Ông đánh giá gì về mức tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay và triển vọng cả năm 2023 sau động thái hạ lãi suất của NHNN?
Trước khi NHNN giảm lãi suất, các NHTM đã phải hạ lãi suất vì nhu cầu tín dụng của khách hàng thấp do doanh nghiệp không có nhiều đơn hàng, lĩnh vực bất động sản khó khăn. Do đó, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay ở mức rất thấp là hiển nhiên. Mặt khác, khi nhu cầu tín dụng giảm, ngân hàng không thể giữ lãi suất huy động ở mức cao, bởi càng hút tiền ở mức lãi suất cao thì biên lợi nhuận càng thu hẹp.
Quyết định giảm lãi suất của NHNN là động thái hỗ trợ tích cực để các ngân hàng thương mại có thêm cơ sở để giảm lãi suất huy động và cho vay, nhờ đó, tăng trưởng tín dụng có thể được đẩy lên tích cực. Tuy nhiên, cần lưu ý việc tăng tín dụng quá mức có thể dẫn đến tình trạng như năm 2020-2021 và đổ vào những lĩnh vực có nguy cơ tạo bong bóng như chứng khoán, bất động sản, nếu không kiểm soát chặt chẽ. Dù vậy, cần khẳng định là bất cứ lĩnh vực nào cũng có thể tạo bong bóng và điều quan trọng là có cơ chế và thực hiện tốt chức năng giám sát, kiểm soát rủi ro của dòng vốn.
Khó khăn nhất với kinh tế Việt Nam năm 2023 là giải ngân đầu tư công. Nếu Việt Nam đẩy mạnh được giải ngân đầu tư công thì sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tốt.
Ngoài ra, nên nhìn vào sự thật là bất động sản là một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Không nên đánh đồng đầu cơ với bất động sản. Yếu tố đầu cơ có thể xuất hiện ở bất cứ lĩnh vực nào của nền kinh tế, nếu không có sự kiểm soát rủi ro hiệu quả. Với một nền kinh tế có tầng lớp trung lưu tăng nhanh nhất trong khu vực Châu Á, thì nhu cầu thật sự, đặc biệt là phân khúc nhà ở trung cấp, là hết sức lớn, tạo điều kiện để phát triển lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam trong tương lai.
Ông dự đoán như thế nào về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay?
Triển vọng vẫn rất tích cực, trong đó, yếu tố tích cực nhất là việc Trung Quốc mở cửa lại với Việt Nam. Sự phục hồi lại của nền kinh tế Trung Quốc đang nhanh hơn dự đoán của giới phân tích từ cách đây 2 tháng. Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng, Trung Quốc chỉ có thể mở cửa hoàn toàn vào quý II năm nay nhưng thực tế chưa hết tháng 3, Trung Quốc đã làm được việc này.
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới mở cửa trong tâm thế nới lỏng chính sách tài khóa tiền tệ sẽ tác động rất lớn với kinh tế thế giới về mọi mặt và Việt Nam có thể hưởng lợi rất nhiều, đặc biệt về du lịch, xuất nhập khẩu…
Khó khăn nhất với kinh tế Việt Nam năm 2023 là giải ngân đầu tư công. Nếu Việt Nam đẩy mạnh được giải ngân đầu tư công thì sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tốt.
Dù đã áp dụng nhiều giải pháp rất quyết liệt song giải ngân đầu tư công nhiều năm qua vẫn gặp khó khăn như vậy. Vì vậy, cùng với việc rà soát và sửa đổi hành lang pháp lý, cơ chế thực thi công tác giải ngân, cần xem lại việc đưa ra tổng mức giải ngân so với khả năng thực hiện. Bởi lẽ, nếu đặt con số quá cao thì Nhà nước phải hút lượng tiền lớn qua trái phiếu chính phủ, gây sức ép lên thị trường tài chính. Ngoài ra, nếu không có sự phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, thì lại xảy ra hiện tượng là tiền được hút qua trái phiếu chính phủ, nhưng bị ách tắc không hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế, và buộc nền kinh tế vẫn phải dựa vào tín dụng ngân hàng, tạo ra nhiều hệ lụy trong trung và dài hạn.