Cần thiết xây dựng tiêu chí phân bổ nguồn lực dựa trên hiệu quả dự án từ khi lựa chọn quyết định đầu tư đến khi hoàn thành. Ảnh: Lê Tiên |
Mục tiêu của việc sửa đổi là vẫn duy trì quản lý chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả đầu tư công, nhưng phải tạo thuận lợi trong triển khai, đi đôi với gắn trách nhiệm rõ ràng, giám sát thực chất.
Phân cấp mạnh đi đôi với trách nhiệm rõ ràng
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu chính của Luật Đầu tư công khi ban hành là để đầu tư công hiệu quả hơn, việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này cũng vậy.
Bối cảnh đặt ra khi ban hành Luật Đầu tư công là đầu tư ở giai đoạn trước đó rất dàn trải. Luật Đầu tư công đã làm tốt mục tiêu khắc phục đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản, quyết định đầu tư tùy tiện không cần biết có tiền hay không. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, vẫn có những mâu thuẫn nảy sinh từ việc siết chặt đầu tư công. Việc sửa đổi Luật lần này trên tinh thần duy trì những quy định tích cực tại Luật Đầu tư công để tiếp tục quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn này. Đồng thời, sửa triệt để những vướng mắc về thủ tục, phân cấp mạnh đi đôi với giám sát chặt chẽ.
Thảo luận về việc sửa đổi Luật Đầu tư công, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá rất cao thành công của Luật Đầu tư công trong việc hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải, giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản nhờ nguyên tắc có vốn mới được phê duyệt dự án đầu tư và phải trả nợ trước mới được đầu tư mới.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều nội dung cần sửa đổi để đầu tư công triển khai thuận lợi hơn, nhất là xử lý được vấn đề giải ngân vốn chậm mấy năm qua.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), giải ngân chậm xuất phát từ sự lúng túng khi lần đầu triển khai Luật với rất nhiều quy định chặt chẽ, đâu đó còn tư tưởng lập các dự án để xếp hàng, xếp chỗ nên khi đưa vào phân bổ vốn đã không đủ điều kiện, phải sửa chữa nhiều lần, dẫn đến phân bổ chậm. Tuy nhiên, cũng có nguyên nhân xuất phát từ nhiều quy định chưa thực sự hợp lý và một số quy trình quá phức tạp ở Luật Đầu tư công. Do đó, cần giảm bớt các quy trình quá phức tạp, đồng thời cần phân cấp cho các cấp quyết định đầu tư và chịu trách nhiệm kết quả thẩm định.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cũng đề xuất Luật Đầu tư công (sửa đổi) cần quy định rõ hơn về trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu từ khâu đầu tiên của dự án, đến khâu thẩm định, triển khai thực hiện và đánh giá kết quả.
Đại biểu Hà Thị Minh Tâm (đoàn Hà Nam) đồng tình với việc phải phân định rõ trách nhiệm từng cấp, gắn với từng khâu của quy trình đầu tư. Như vậy, khi có sai phạm mới dễ dàng xử lý, tránh thực tế hiện nay là bao nhiêu chương trình, dự án thất thoát mà không ai bị xử lý vì liên quan đến trách nhiệm của nhiều đơn vị.
Đánh giá dự án đầu tư theo hiệu quả đầu ra
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM), pháp luật về đầu tư công ở các nước có bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả có thể lượng hóa được. Khi dự án hoàn thành, dùng bộ tiêu chí này đánh giá lại có đạt hiệu quả như ban đầu không, có lợi cho ai, tác động lan tỏa thế nào.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề xuất Chính phủ bên cạnh tập trung vào quy định về phân bổ nguồn lực, nên xem xét bổ sung thêm phần đánh giá kết quả đầu ra trong dự thảo Luật Đầu tư công. “Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, Việt Nam không thể đứng một mình một sân, trong khi hầu hết các nước đều chú trọng vấn đề hiệu quả sau đầu tư”, đại biểu Mai nêu quan điểm.
Nhiều ý kiến khác đề nghị hoàn thiện hơn các quy định về giám sát cộng đồng để việc giám sát có hiệu quả thực chất. Từ góc độ của một người làm công tác mặt trận, đại biểu Hà Thị Minh Tâm cho biết, việc giám sát đầu tư của cộng đồng khó thực hiện nếu quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hình thức tham khảo ý kiến cộng đồng. Dự thảo Luật nên quy định theo hướng giao cơ quan địa phương quyết định hình thức tham khảo ý kiến cộng đồng phù hợp với tính chất dự án.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cũng cho rằng, phải quy định rõ thẩm quyền giám sát; đối tượng giám sát là cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư và các nhà thầu. Phạm vi và yêu cầu của giám sát cộng đồng cũng phải quy định rõ để vừa đảm bảo hiệu quả giám sát vừa tránh lợi dụng, làm khó nhà thầu, cản trở quá trình thi công. Đồng thời phải mở rộng nội dung giám sát từ khâu chuẩn bị quyết định đầu tư dự án, để cộng đồng có ý kiến về tính phù hợp, hiệu quả, sự cần thiết của dự án.
Hiện trong Luật Đầu tư công đã có những quy định về đánh giá thứ tự ưu tiên của dự án, khi đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn phải sắp xếp thứ tự ưu tiên, phải đánh giá dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đồng tình với việc cần thiết xây dựng tiêu chí phân bổ nguồn lực dựa trên hiệu quả dự án từ khi bắt đầu lựa chọn quyết định đầu tư đến khi đầu tư xong phải đánh giá lại.