TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương |
Tại sao hệ thống ngân hàng của các nước phát triển chịu sự kiểm soát chặt chẽ và được gia cố giải pháp giám sát sau mỗi giai đoạn bất ổn, song vẫn xuất hiện các lỗ hổng dẫn đến đổ vỡ, thưa ông?
Thị trường tài chính phát triển không ngừng cùng với các sáng tạo tài chính đa dạng. Khủng hoảng nợ dưới chuẩn năm 2008 xảy ra từ “sáng tạo tài chính” dựa trên việc chứng khoán hóa các khoản vay, biến rủi ro của hệ thống ngân hàng thành rủi ro của thị trường vốn, dẫn đến rủi ro của nền kinh tế. Các ngân hàng dễ dàng chuyển đổi rủi ro của họ cho các nhà đầu tư chứng khoán, do đó họ sẵn sàng đẩy mạnh các khoản vay dưới chuẩn (với ngân hàng, rủi ro bằng 0 khi họ có thể bán và chuyển rủi ro cho chủ thể khác). Ở khía cạnh nhà đầu tư, họ rót tiền vào các khoản vay được chứng khoán hóa vì tin vào các định chế xếp hạng tín nhiệm, vào cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan bảo hiểm. Khi các dấu hiệu thị trường cho thấy, họ đã đặt niềm tin quá lớn vào các định chế này thì niềm tin sụp đổ và thị trường gặp khủng hoảng.
Sau mỗi cuộc khủng hoảng, hệ thống ngân hàng đều tìm cách xử lý và sửa chữa các khiếm khuyết của nó, song các biến động của thị trường, lòng tham của con người luôn tạo ra rủi ro mới và nguy cơ khủng hoảng mới.
Từ đầu năm đến nay, thế giới chứng kiến sự đổ vỡ của 3 ngân hàng ở Mỹ và 1 ngân hàng ở Thụy Sỹ. Sự đổ vỡ này có đặc điểm khác với biến cố của năm 2008. Trước khi đổ vỡ 20 ngày, Ngân hàng SVB vẫn thuộc TOP 20 ngân hàng tốt nhất trong tổng số khoảng 4.800 ngân hàng của Mỹ. Với Credit Suisse, hệ số đảm bảo thanh khoản LCR vào quý IV/2022 đạt 144%, vượt xa mức yêu cầu 100% của Ngân hàng trung ương Châu Âu.
Sự đổ vỡ của Credit Suisse xuất phát từ tình trạng đầu tư thua lỗ làm giảm uy tín của Ngân hàng |
Xin ông bình luận sâu hơn về lý do dẫn đến sự đổ vỡ một số ngân hàng tại Mỹ và Thụy Sỹ?
Đối với 3 ngân hàng Mỹ, đổ vỡ là do sự suy giảm giá trị đột ngột của các ngân hàng. Đối với Credit Suisse, đó là do sự xói mòn niềm tin nhanh chóng của nhà đầu tư và người gửi tiền.
Trong thời kỳ Covid-19, các ngân hàng Mỹ được hưởng lợi lớn nhờ nguồn tiền nhàn rỗi dư thừa trong khi các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh bị bế tắc. Các ngân hàng đã thu hút được lượng tiền gửi khổng lồ với giá rất rẻ. Với chuẩn mực an toàn hiện tại, họ đầu tư vào trái phiếu chính phủ được xem là tài sản ít rủi ro nhất, cũng là hợp lý và cẩn trọng.
Tuy nhiên, khi lãi suất tăng cùng với sự phục hồi của các hoạt động sản xuất kinh doanh, giá trái phiếu chính phủ giảm, nguồn tiền nhàn rỗi khan hiếm, các trái phiếu, các tài sản tài chính mà ngân hàng đang nắm giữ bị mất giá mạnh, các khoản lợi nhuận đầu tư tài chính trong thời kỳ giá vốn rẻ là thấp, không đủ bù đắp chi phí huy động vốn tăng nhanh trong hiện tại. Thêm vào đó, các doanh nghiệp gửi tiền thời kỳ phải dừng hoạt động do Covid-19 bắt đầu rút tiền ra khỏi ngân hàng để trở lại sản xuất kinh doanh. Những yếu tố này khiến một số ngân hàng mất khả năng cân đối dòng tiền. Hiệu ứng dây chuyền xảy ra khi những người gửi tiền với quy mô lớn, vượt quá mức được bảo hiểm (250.000 USD) lo sợ bị mất tiền và tìm cách rút tiền về. Điều này kích hoạt sự rút tiền ồ ạt và dẫn đến sự sụp đổ của SVB, Silvergate và First Republic Bank.
Tại Thụy Sỹ, sự đổ vỡ của Credit Suisse xuất phát từ tình trạng đầu tư thua lỗ làm giảm uy tín của Ngân hàng, cùng với những yếu tố địa chính trị gây ra sự rút tiền hàng loạt của người gửi tiền, vượt quá ngưỡng giả định tồi tệ nhất. Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ phải yêu cầu UBS mua lại Credit Suisse với giá 3 tỷ Franc Thụy Sỹ.
Sự đổ vỡ của các ngân hàng trên cho thấy, hệ thống tài chính hoạt động dựa trên lòng tin, nhưng lòng tin trong thế giới ngày nay là rất mong manh. Dường như các chỉ số, các biện pháp đảm bảo an toàn hiện nay đã không đủ để neo giữ niềm tin cho thị trường.
Từ những biến cố trên thị trường tài chính thế giới nhìn về Việt Nam, theo ông đâu là những rủi ro đáng nhận diện?
Ở Việt Nam, các ngân hàng cũng có nghiệp vụ đầu tư trái phiếu chính phủ (TPCP), nhưng sự gia tăng lãi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam không quá lớn và cũng không đột ngột, do đó không gây tác động đáng kể đến thị trường tài chính Việt Nam.
Sau mỗi cuộc khủng hoảng, hệ thống ngân hàng đều tìm cách xử lý và sửa chữa các khiếm khuyết của nó, song các biến động của thị trường, lòng tham của con người luôn tạo ra rủi ro mới và nguy cơ khủng hoảng mới.
Tuy nhiên, rủi ro từ thị trường trái phiếu đến hệ thống ngân hàng tại Việt Nam nằm ở chỗ khác. Khi một ngân hàng thiếu thanh khoản thì các phương án xử lý thông thường là tiếp cận thị trường liên ngân hàng, các cửa sổ tái chiết khấu, tái cấp vốn… Do đó, duy trì khả năng tiếp cận các thị trường này là điều tối quan trọng đối với các tổ chức tín dụng (TCTD). Nếu các TCTD không nắm giữ loại tài sản này đủ lớn thì khi rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản sẽ rất khó tiếp cận các kênh như liên ngân hàng, tái chiết khấu, tái cấp vốn, vì họ thiếu một loại tài sản có thể đảm bảo khả năng trả nợ.
Theo đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam đối mặt với 2 rủi ro chính: (i) các ngân hàng yếu thường không nắm đủ TPCP sẽ giảm khả năng tiếp cận các định chế có tính bảo hiểm, do đó làm gia tăng rủi ro hệ thống; (ii) nguồn cung TPCP thấp, cầu cao làm cho lãi suất TPCP thấp bất thường (hiện nay lãi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm là 3,38% trong khi TPCP Việt Nam 10 năm là 3,04%). Nếu giải ngân đầu tư công tốt, nhu cầu phát hành TPCP tăng sẽ đẩy lãi suất TPCP tăng cao và các TCTD đang nắm nhiều TPCP sẽ chịu thua lỗ.
Ông đánh giá như thế nào về niềm tin thị trường và mức độ an toàn của ngân hàng Việt Nam?
Hệ thống ngân hàng Việt Nam trải qua sóng gió những năm 2010 - 2015, sau đó đã từng bước xây dựng, củng cố niềm tin của thị trường và trở thành nguồn cấp vốn chính cho nền kinh tế. Ngân hàng SCB gần đây bộc lộ khó khăn, nhưng không gây đổ vỡ dây chuyền một phần nhờ các phản ứng linh hoạt và kịp thời của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ, nhưng một phần cũng nhờ niềm tin thị trường đã được củng cố trong một thời gian khá dài.
Duy trì khả năng tiếp cận thị trường liên ngân hàng, các cửa sổ tái chiết khấu, tái cấp vốn…là điều tối quan trọng đối với các tổ chức tín dụng.
Hiện nay, hệ thống các TCTD đang đối mặt với những rủi ro mới đó là nhu cầu vay vốn thấp, thị trường bất động sản khó khăn, hoạt động sản xuất, chế biến chế tạo suy giảm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bộc lộ rủi ro nợ xấu, thị trường cổ phiếu yếu… Những yếu tố này đang làm tăng rủi ro về nợ xấu ngân hàng. Nếu các TCTD phản ứng thái quá bằng cách thặt chặt các điều kiện tín dụng, hạn chế khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp thì rủi ro nợ xấu lại càng tăng cao và có thể đẩy cả hệ thống vào nguy hiểm. Phản ứng gần đây của NHNN trong việc hạ lãi suất điều hành 2 lần chính là động thái cần thiết và chính xác để kiểm soát các rủi ro này.
Điều tích cực là các ngân hàng thương mại của Việt Nam đều áp dụng Basel 2 với nhiều công cụ, giải pháp để đảm bảo an toàn hệ thống. Hệ thống ngân hàng Việt Nam hoạt động với chuẩn mực cao hơn chính là nền tảng quan trọng để củng cố niềm tin thị trường, đồng thời thúc đẩy tính minh bạch hơn, thị trường hơn. Đây cũng là điều kiện để NHNN thúc đẩy cạnh tranh giữa các TCTD và qua đó thúc đẩy sự phát triển của toàn hệ thống.
Để phát triển thị trường vốn thì cần có sự phối hợp nhịp nhàng của thị trường tiền tệ |
Nhiều ý kiến cho rằng, vai trò cung cấp vốn cho nền kinh tế đang là gánh nặng quá lớn với hệ thống ngân hàng, đây cũng là nguyên nhân có thể dẫn đến những rủi ro hệ thống?
Thị trường tài chính bao gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn, hai thị trường này có mối quan hệ hữu cơ và cùng phát triển. Tại Việt Nam, tỷ lệ tín dụng so với GDP đang khoảng 126% và được nhận xét là quá cao, tạo gánh nặng lên hệ thống ngân hàng. Để giải quyết vấn đề này, trách nhiệm không chỉ ở việc phát triển thị trường vốn.
Đúng là phải phát triển thị trường vốn, nhưng muốn phát triển được thị trường vốn thì thị trường tiền tệ phải có lãi suất phù hợp. Bởi lẽ, khi lãi suất trên thị trường tiền tệ cao, dòng tiền sẽ không chảy vào thị trường vốn. Mặt khác, lãi suất trên thị trường tiền tệ cao thì lợi nhuận của doanh nghiệp giảm và thị trường vốn càng kém hấp dẫn. Do đó, để phát triển thị trường vốn thì cần có sự phối hợp nhịp nhàng của thị trường tiền tệ.
Về tỷ lệ tín dụng/GDP, ở các nước có thu nhập cao, tỷ lệ này cũng rất cao, ở mức trên 150% và điều đáng chú ý là tỷ lệ vốn hóa của các nước này cũng rất cao. Ở các nước thu nhập thấp thì ngược lại, tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức thấp và tỷ lệ vốn hóa cũng thấp. Tức là, hai thị trường tiền tệ và thị trường vốn cùng phát triển. Hay nói cách khác, cần có chiến lược phát triển đồng bộ cả 2 thị trường này.