Tình hình thu chi NSNN và nợ công vẫn chưa có nhiều thay đổi so với những năm gần đây. Ảnh: Tường Lâm |
Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Thái Bình đặt vấn đề tại phiên thảo luận của Quốc hội hôm qua (31/10). Theo ông Lộc, đọc các báo cáo của Chính phủ, tình hình thu chi ngân sách của Nhà nước và nợ công vẫn chưa có nhiều thay đổi so với những năm gần đây, vẫn là chi thường xuyên chiếm tỷ trọng cao tới 64%, vẫn là nợ công đang sắp đụng trần 65% mà Quốc hội cho phép, vẫn là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp tức là có tiền mà vẫn không làm sao chi tiêu được.
“Điều đáng nói là năm nào chúng ta cũng muốn tiêu nhiều tiền hơn năm trước và dường như càng nhiều thì càng tốt, tốc độ tăng thu chi ngân sách nhà nước luôn cao hơn được coi là thành tích. Nhưng trong bối cảnh nợ công đang gần sát mức trần như hiện nay, tại sao lại coi việc thu chi ngân sách nhà nước tăng 10% là tốt hơn so với chỉ 7% hay 8%”, ông Lộc nêu.
Đại biểu Lộc dẫn chứng, trong năm nay, khi thu ngân sách nhà nước dự kiến sẽ vượt khoảng 23.000 tỷ đồng thì số chi ngân sách nhà nước dự kiến cũng được điều chỉnh tăng theo. “Tại sao chúng ta không sử dụng khoản vượt thu này để giảm nợ công? Chúng ta còn bao nhiêu đất đai để có thể mang lại nguồn thu và liệu việc thu cổ tức của các ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn vì nợ xấu để trả lương cho công chức hay bán tài sản của các doanh nghiệp nhà nước để lấy tiền đầu tư sẽ kéo dài được bao lâu?”
Đưa ra một loạt câu hỏi, ông Lộc cho rằng vấn đề cân đối ngân sách nhà nước và giảm nợ công để bảo đảm an toàn là rất cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Nhưng vì "miệng ăn núi lở" nên tình hình tài khóa của đất nước hiện nay không phụ thuộc nhiều vào Bộ Tài chính mà chủ yếu phụ thuộc vào năng lực cắt giảm biên chế và tinh gọn bộ máy của Bộ Nội vụ.
Vị đại biểu Thái Bình đề nghị Chính phủ cần xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể về cắt giảm biên chế, đồng thời quy trách nhiệm cho từng lãnh đạo bộ, ngành và địa phương xuống tận cấp xã, phường trong thực hiện, giống như cách Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã áp đặt mệnh lệnh cho các bộ, ngành phải cắt giảm tối thiểu 30% - 50% các thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trong vòng 2 năm tới. Giải phóng các bộ, ngành ra khỏi chức năng chủ quản doanh nghiệp nhà nước, chuyển giao chức năng này cho các công ty đầu tư tài chính để vận hành theo nguyên tắc thị trường, thực hiện việc xã hội hóa dịch vụ công theo hướng cái gì dân và doanh nghiệp làm được thì Chính phủ không làm.
Tái cấu trúc bộ máy của nhà nước theo hướng đó sẽ làm cho nhà nước bớt ôm đồm, tập trung vào chức năng chính là làm thể chế, nâng cao hiệu quả hoạt động và tinh giản biên chế. “Chỉ như vậy mới có thể cân đối ngân sách nhà nước, bảo đảm an toàn nợ công mà không cần phải tăng thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường và nhiều loại thuế, phí khác làm dân bức xúc”, ông Lộc nhận định.