Xuất nhập khẩu tiếp đà hồi phục

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động đến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp (DN) trong khu công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu đang phục hồi mạnh mẽ.
Điện tử, máy tính và linh kiện đạt kim ngạch xuất khẩu 23,7 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021. Ảnh: LTT
Điện tử, máy tính và linh kiện đạt kim ngạch xuất khẩu 23,7 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021. Ảnh: LTT

Tín hiệu đáng mừng

Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước.

Về xuất khẩu (XK), kim ngạch XK hàng hóa tháng 6/2021 ước tính đạt 26,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng 5/2021, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,58 tỷ USD, tăng 5,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 18,92 tỷ USD, giảm 0,3%.

“So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch XK hàng hóa tháng 6 tăng 17,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 14,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 18,6%”, Tổng cục Thống kê cho biết.

Tính chung, 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch XK hàng hóa ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Có 25 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 88,9% tổng kim ngạch XK. Trong đó, 5 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 10 tỷ USD (chiếm 58%) như: Điện thoại và linh kiện (25,1 tỷ USD); điện tử, máy tính và linh kiện (23,7 tỷ USD); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng (17 tỷ USD); dệt may (15,2 tỷ USD)…

Về nhập khẩu (NK), kim ngạch NK hàng hóa tháng 6/2021 ước đạt 27,5 tỷ USD. Tính chung nửa đầu năm 2021, kim ngạch NK hàng hóa ước tính đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 55,9 tỷ USD, tăng 30,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 103,2 tỷ USD, tăng 39,5%.

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng nhập siêu 1,47 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,86 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,01 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,54 tỷ USD.

Với việc cán cân thương mại chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: “Đến thời điểm này, nhập siêu chưa phải là yếu tố quan ngại, lo lắng, thậm chí NK hàng hóa lớn là tín hiệu mừng cho phục hồi sản xuất trong nước”. Theo ông Hải, trên 90% hàng hóa NK trong nửa đầu năm là hàng hóa thuộc nhóm tư liệu sản xuất phục vụ cho sản xuất và XK.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong cơ cấu nhóm hàng NK nửa đầu năm nay, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 149,32 tỷ USD, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,9% tổng kim ngạch NK (tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 72 tỷ USD, tăng 33% và chiếm 45,2% (giảm 1 điểm phần trăm); nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 77,35 tỷ USD, tăng 40,2% và chiếm 48,6% (tăng 1,4 điểm phần trăm).

Đơn hàng xuất khẩu tăng

Đề cập về triển vọng kinh doanh 6 tháng cuối năm 2021, theo ông Đỗ Thắng Hải, kinh tế trong nước và thế giới đang có những tín hiệu phục hồi rõ nét. Nhiều DN dệt may có đơn hàng đến hết quý III/2021, thậm chí có DN ký đơn hàng đến hết năm nay. Thực tế này trái ngược với năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát, các DN dệt may chỉ có đơn hàng theo tuần. Đây là tín hiệu rất khả quan.

Liên quan đến vấn đề này, kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh hàng quý thực hiện với 6.500 DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và 6.975 DN ngành xây dựng trên cả nước vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, số lượng đơn đặt hàng mới của DN đang tăng lên, trong đó có đơn đặt hàng XK.

Cụ thể, 79,4% DN được khảo sát dự báo số lượng đơn hàng XK mới quý III/2021 tăng và giữ nguyên so với quý II/2021 (32,8% tăng và 46,6% giữ nguyên); 20,6% dự báo giảm. So với 6 tháng cuối năm 2020, có 82,8% DN được khảo sát cho rằng tỷ lệ đơn đặt hàng XK nửa cuối năm 2021 tăng và giữ nguyên (36,6% tăng, 46,2% giữ nguyên); 17,2% dự báo giảm.

Nhiều ngành kinh tế được dự báo lạc quan về giá trị sản xuất và kim ngạch XK. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ, các DN dệt may đang có đơn hàng ổn định. Mục tiêu đạt 40 tỷ USD kim ngạch XK của ngành dệt may trong năm 2021 hoàn toàn lạc quan.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của ngành nông nghiệp diễn ra ngày 30/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,2 - 3,5% trong năm 2021. Tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 45 tỷ USD (cao hơn kế hoạch là 3 tỷ USD).

Chuyên đề