Xuân đất nước, vận đầu tư

(BĐT) - Vậy là một năm đầy đáng nhớ đã trôi qua. Như thể “đến hẹn lại lên”, năm 2015 đã khép lại và Xuân Bính Thân 2016 đã tới gõ cửa, tự nhiên như dòng trôi bất tận của thời gian, tự nhiên như sáng sớm mai này, nắng vàng chợt bừng lên rạng rỡ trên bao gương mặt người nơi công trường, xưởng máy. 
Thế và lực của đất nước, dân tộc ngày càng lớn mạnh
Thế và lực của đất nước, dân tộc ngày càng lớn mạnh

Dẫu biết rằng đó là sự luân chuyển bốn mùa theo vòng quay vũ trụ, một năm mới gõ cửa vẫn khiến lòng ta tràn ngập những cảm xúc xốn xang. Cái cảm xúc xốn xang ấy rõ nhất khi tự tay mỗi người bóc đi tờ lịch cuối cùng của năm cũ như thể chia tay một người bạn đồng hành để rồi không bao giờ gặp lại! 

365 ngày đã ở lại phía sau lưng nhưng dư vị buồn vui mà năm 2015 để lại thì vẫn cứ tồn tại. Loài người vẫn đi lên trong sự mong manh và nỗi phấp phỏng lo âu về một tương lai phồn thịnh cho mình. Chưa ai trả lời được câu hỏi nhân loại bước vào năm 2016 với bao nhiêu gương mặt; khi mà nụ cười, hạnh phúc còn trộn giữa máu và nước mắt; hòa bình, ổn định với suy thoái và chiến tranh vẫn chỉ cách nhau một sợi chỉ mỏng manh.

Trong khi chủ nghĩa khủng bố quốc tế đã biến tấu sang một “nấc thang mới” với sự ra đời của cái gọi là “Nhà nước hồi giáo” IS với sự man rợ đến tận cùng, thì liên minh chống khủng bố tưởng như đã đưa các cường quốc xích lại gần nhau lại có nguy cơ tan vỡ bởi những xung đột âm ỷ. Dường như chống khủng bố đang trở thành cái cớ để các nước lớn sắp xếp lại tầm ảnh hưởng nơi “rốn” dầu của thế giới, bất chấp dòng người tỵ nạn từ Sirya là “điểm đen” của nhân loại năm qua.

Đã lâu lắm rồi thế giới mới lại chứng kiến những hình ảnh bi thương đến thế khi hàng vạn người dân Sirya và Trung Đông phải đánh đổi cả tính mạng để tìm sự bình an nơi những trại tỵ nạn châu Âu.

Trong dòng chảy có phần hỗn mang đó, cuộc đại mưu sinh của loài người trong năm 2015 bởi vậy càng trở nên khó khăn, khốc liệt hơn. Hàng loạt vấn đề tự nhiên và xã hội đặt ra cho mỗi dân tộc phải đương đầu với những bài toán ổn định. Cả thế giới vừa bỏ lại sau lưng một cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế, nhưng còn đó những hố đen lớn không dễ lấp đầy.

Hầu hết các nền kinh tế lớn, nhỏ đều đã gượng dậy nhưng con đường phía trước vẫn không ít ghềnh thác. Tình trạng nợ công vẫn là một "trái bom nổ chậm" treo lơ lửng trên đầu nhiều chính phủ từ Tây bán cầu cho đến Nam bán cầu. Các mô hình tăng trưởng mới ổn định và bền vững vẫn là mục tiêu dò tìm của nhiều quốc gia, dân tộc.

Nằm trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam năm 2015 đã phải trải qua những thử thách không nhỏ. Sự ổn định của kinh tế vĩ mô là nền tảng để tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,68%, cao nhất trong 8 năm qua. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhìn tổng thể, nền kinh tế Việt Nam một lần nữa lại chứng minh được sức bật mạnh mẽ mỗi khi gặp gian khó. GDP tăng trưởng tuy chưa bằng thời kỳ "hoàng kim" nhưng đã vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ đều có tỷ lệ tăng cao hơn GDP... thể hiện sức phục hồi đáng nể sau khủng hoảng. Chỉ số giá tiêu dùng CPI cả năm 2015 chỉ tăng 0,63% cho thấy lạm phát đã được kiềm chế ở mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua...

Phải đặt số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2015 đạt gần 22,757 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm trước sau những gì xảy ra tại Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Dương của năm 2014 mới thấy thành quả trên ý nghĩa biết nhường nào! Không phải ngẫu nhiên, Việt Nam tiếp tục là điểm đến của những tập đoàn sản xuất và đầu tư hàng đầu thế giới với không ít những “dự án tỷ đô” trong năm qua, điển hình là dự án của Samsung Display Việt Nam với số vốn đầu tư tăng thêm là 3 tỷ USD ở Bắc Ninh; Dự án Nhà máy Điện Duyên Hải 2 với tổng vốn đầu tư là 2,4 tỷ USD do Công ty Janakuasa Sdn. Bhd - Malaysia đầu tư tại tỉnh Trà Vinh... Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ được triển khai mạnh mẽ từ cuối năm 2014 và xuyên suốt năm 2015 đã góp phần đáng kể nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời tái khẳng định sự hấp dẫn của môi trường đầu tư của Việt Nam sau những nỗ lực không mệt mỏi của rất nhiều cấp, ngành kể từ sau các sự kiện tháng 5/2014.

Cùng với đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp cũng có những khởi sắc. Thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng ổn định, chỉ số VN Index giữ vững mốc trên 600 điểm dù phải đối mặt với những sự kiện như Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ gây sức ép lớn lên tỷ giá USD/VND cho thấy tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã trưởng thành lên rất nhiều! Nhờ các nhóm giải pháp đồng bộ, thị trường bất động sản đã phục hồi tích cực, lượng giao dịch thành công liên tục tăng, bắt đầu từ phân khúc sản phẩm trung bình và thấp, lan dần sang khu vực sản phẩm trung và cao cấp. Lượng giao dịch thành công tại Hà Nội và TP.HCM không ngừng tăng, về cơ bản đã giải phóng được lượng hàng tồn kho và tới cuối năm 2015, 80% gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng đã được giải ngân cho thấy niềm vui được sở hữu căn nhà tại các đô thị lớn đã đến với hàng vạn gia đình.

Lãi suất được giữ ổn định ở mức thấp, thanh khoản hệ thống ngân hàng được đảm bảo, dòng vốn rẻ được nắn chảy mạnh vào sản xuất là một trong những tiền đề để việc tái cơ cấu ngân hàng được thực hiện ráo riết, quyết liệt hơn trong năm 2015. Không chỉ thêm 3 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, nâng tổng số các tổ chức tín dụng được tái cơ cấu trong những năm qua lên con số 17 mà nợ xấu từ mức đỉnh điểm 17% vào năm 2012 xuống dần chỉ còn 2,72% vào cuối năm 2015 cho thấy những bước đi đúng đắn của chính sách tiền tệ.

Trong bức tranh nhiều màu sắc tươi sáng của kinh tế Việt Nam năm 2015 không thể không nhắc đến những điểm nhấn quan trọng của hội nhập quốc tế. Sau hơn 5 năm đàm phán tích cực, ngày 5/10/2015, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 nước thành viên trong đó có Việt Nam hoàn tất đàm phán. Hiệp định TPP được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ 21, quy tụ các quốc gia đang nắm giữ 40% GDP toàn cầu. Việc tham gia TPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Theo tính toán, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Cụ thể, xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025 và nhiều ngành hàng như may mặc, da giày có thể được hưởng lợi lớn từ việc gia nhập TPP nếu như biết tận dụng cơ hội.

Khép lại hành trình đầy thử thách của năm 2015, tự tin bước vào năm 2016, chúng ta vui mừng trước thế và lực mới của đất nước, dân tộc. Những thành công nổi bật trên các mặt trận: kinh tế, đối ngoại, an ninh, quốc phòng và phát triển văn hoá - xã hội, cho phép chúng ta nhìn xa hơn, rộng hơn, hoạch định một hướng đi chiến lược cho giai đoạn phát triển sắp tới. Sự thành công tốt đẹp của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là động lực tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho tất cả các lĩnh vực then chốt của đất nước trong chặng đường mới, nhiều gian khó nhưng cũng lắm vinh quang.

Tuy nhiên, nhìn ngắn hạn ngay trong năm 2016, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo tháo gỡ. Trước hết, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, tỷ lệ nợ công cao, nguồn lực cho đầu tư phát triển hạn chế càng chất thêm gánh nặng với sức ép cân đối vĩ mô lên chính sách tài khoá. Lộ trình đẩy mạnh xã hội hoá lĩnh vực giáo dục, y tế rất có thể sẽ gia tăng áp lực chi tiêu lên người dân, nhất là dân nghèo những vùng sâu, vùng xa. Vấn đề tỷ giá có thể còn “những cú sốc” kiểu như năm 2015 khi nền kinh tế Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp. Nó đòi hỏi sự can thiệp linh hoạt, quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước. Công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dù đã có bước khởi sắc nhưng còn hạn chế. Đi liền với đó, công cuộc chống tham nhũng, dù đã có những bước tiến nhưng nhìn chung phải quyết liệt và mạnh mẽ hơn.

Thực tế đã chứng minh, chúng ta đã từng vượt qua những thời điểm gian nan nhất. Bởi vậy trong hành trình đổi mới và hội nhập, trước khó khăn của năm 2016, Việt Nam hoàn toàn tự tin chắc chắn sẽ vượt qua. Vấn đề then chốt là với Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, các cơ quan điều hành chính sách cần nhanh chóng đưa đường lối, tinh thần của Nghị quyết vào cuộc sống bằng những quyết sách mạnh mẽ và đúng đắn. Và với mỗi người dân, niềm tin sẽ là món quà xuân ý nghĩa để chúng ta đạt được những dự định đề ra, hoà niềm vui, niềm hạnh phúc của mỗi cá nhân vào thành công chung của đất nước, dân tộc.

Những ngày đầu xuân 2016, nếu có dịp ngồi xe trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện đại nhất Việt Nam mới cảm nhận rõ hơn về những đổi mới, chuyển mình của đất nước đang trên đường hội nhập và phát triển. Một diện mạo Việt Nam mới với kết cấu hạ tầng hiện đại, trải dài từ Bắc tới Nam là minh chứng cho quyết tâm cởi các nút thắt kinh tế, mở ra thời kỳ phát triển mới phồn vinh hơn cho dân tộc và đất nước, đang cho những thành quả rõ nét, chắp cánh cho Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới ổn định và bền vững từ những “điểm nhấn” hôm nay...

Chuyên đề