Xử nhà thầu bỏ cuộc thế nào?

(BĐT) - Bức tranh đấu thầu thời gian qua ghi nhận một thực tế khiến không ít chủ đầu tư, bên mời thầu dở khóc, dở cười, đó là tình trạng nhà thầu trúng thầu nhưng không... muốn làm. Đằng sau việc “bỏ cuộc chơi” không đẹp này của những nhà thầu thiếu trách nhiệm là rất nhiều hệ lụy trong đấu thầu.
Theo đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, những lý do nhà thầu trúng thầu là Công ty CP Thiết bị giáo dục Nghi Gia đưa ra để trì hoãn việc cung cấp, dịch vụ sản phẩm hoàn toàn không hợp lý. Ảnh: Quang Tuấn
Theo đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, những lý do nhà thầu trúng thầu là Công ty CP Thiết bị giáo dục Nghi Gia đưa ra để trì hoãn việc cung cấp, dịch vụ sản phẩm hoàn toàn không hợp lý. Ảnh: Quang Tuấn

Trúng thầu rồi mất hút

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu ngày 7/2/2017, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) bày tỏ nhiều bức xúc trước cách hành xử thiếu trách nhiệm của một nhà thầu đã trúng Gói thầu Mua sắm các mặt hàng bàn, ghế trang bị Hội trường Trung tâm Ung bướu thuộc Dự án Mua sắm bàn ghế năm 2016 của Bệnh viện.

Gói thầu này áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu là chào hàng cạnh tranh trong nước, được tổ chức lựa chọn nhà thầu cuối năm 2016. Gói thầu có giá hơn 1,6 tỷ đồng, Công ty CP Thiết bị giáo dục Nghi Gia là nhà thầu trúng thầu với giá hơn 947 triệu đồng. Gói thầu thực hiện theo hợp đồng trọn gói, với thời gian thực hiện hợp đồng là 2 tháng.

Theo đại diện của Bệnh viện Chợ Rẫy, ngay sau khi công bố quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, bên mời thầu đã chủ động thông tin những yêu cầu cụ thể về tiến độ thực hiện hợp đồng, cung cấp hàng hóa với nhà thầu trúng thầu là Công ty CP Thiết bị giáo dục Nghi Gia. Tuy nhiên, điều đáng nói là trái với sự cấp thiết của việc phải triển khai hợp đồng theo mong muốn của bên mời thầu, nhà thầu này lại “lặn mất tăm”, trốn tránh việc ký hợp đồng trước khi hồ sơ đề xuất của nhà thầu hết hiệu lực. Lạ lùng hơn, nhà thầu này sau đó còn đưa ra nhiều lý do nhằm trì hoãn thời gian cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho bên mời thầu.

“Những lý do mà nhà thầu Nghi Gia đưa ra để thanh minh cho việc chậm cung cấp dịch vụ, sản phẩm hoàn toàn không hợp lý. Chúng tôi đã nhiều lần mời nhà thầu đến để làm việc, bàn thảo ký hợp đồng nhưng hoàn toàn nhận được sự bất hợp tác của nhà thầu. Đây không phải lần đầu tiên nhà thầu này có hành xử như vậy đối với bên mời thầu. Chúng tôi rất mong có chế tài để xử lý những nhà thầu như thế này”, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy bày tỏ.

Cuối cùng, để đảm bảo kế hoạch triển khai Gói thầu, Bệnh viện Chợ Rẫy đã phải công bố quyết định hủy kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu nêu trên với lý do Công ty CP Thiết bị giáo dục Nghi Gia không tiến hành ký hợp đồng trước khi hồ sơ đề xuất của Công ty hết hiệu lực. Mặc dù vậy, điều khiến Bệnh viện Chợ Rẫy bức xúc nhất qua sự việc này chính là cách hành xử không giống ai của nhà thầu Nghi Gia. “Thực tế, đây chỉ là một gói thầu mua sắm nhỏ, yêu cầu đơn giản là cung cấp sản phẩm, hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường. Việc nhà thầu trúng thầu “lặn mất tăm” trong thời điểm bên mời thầu cần ký hợp đồng để triển khai gói thầu ngay là không thể chấp nhận được”, đại diện Bên mời thầu bức xúc. 

Đấu thầu cần chữ tín

Sự việc tương tự như trường hợp của Bệnh viện Chợ Rẫy nêu trên đã từng được Báo Đấu thầu phản ánh tại nhiều gói thầu trước đây. Lý do của tình trạng này được các nhà thầu đưa ra là “muôn hình vạn trạng”, khi thì viện cớ nhân sự biến động, khi thì đổ lỗi cho tính chất kỹ thuật gói thầu phức tạp hơn hình dung, khi thì di dời nhà máy...

Mặc dù vậy, theo các bên mời thầu, mọi lý do viện dẫn của nhà thầu cho việc không tiến hành thương thảo, ký kết hợp đồng khi trúng thầu là đều không hợp lý, hợp tình. Bởi khi quyết định tham gia đấu thầu một gói thầu nào đó, thì nhà thầu phải tính đến mọi tình huống, mọi biện pháp xử lý. Quan trọng hơn, mọi phương án thực hiện gói thầu của nhà thầu đã được thể hiện trong HSDT. Đại diện Điện lực Thủ Thiêm, một bên mời thầu từng “dính quả” với nhà thầu bất tín chia sẻ: “Cách hành xử của một nhà thầu như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến bên mời thầu. Đôi khi chỉ vì một gói thầu nhỏ bị bể kèo kiểu này mà cả một dự án lớn có thể bị chậm tiến độ. Ảnh hưởng về ngân sách, thời gian, công sức của bên mời thầu là rất khó đong đếm”.

Theo một số chuyên gia về đấu thầu, việc gây dựng uy tín cũng như nâng cao khả năng trúng thầu, cung cấp gói thầu với chất lượng tốt là đích đến của mọi nhà thầu hiện nay. Giữ chữ tín trong đấu thầu lại càng quan trọng vì sức lan tỏa đối với các chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn là rất lớn. Do đó, khi nhà thầu đã trúng thầu mà không tích cực tiến hành thương thảo, ký kết hợp đồng, làm cơ sở để cung cấp dịch vụ, sản phẩm là cực kỳ tối kỵ, bởi điều này dẫn đến mất niềm tin của chính các chủ đầu tư.

Để hạn chế tình trạng “đánh trống bỏ dùi” của các nhà thầu, một số chuyên gia đấu thầu khuyến nghị, các chủ đầu tư, bên mời thầu có thể áp dụng các quy định của chính sách đấu thầu để đề xuất hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có lịch sử cung cấp dịch vụ, sản phẩm yếu kém, không tiến hành thương thảo ký kết hợp đồng mà không có lý do phù hợp trong những gói thầu do mình quản lý. Đặc biệt, chủ đầu tư, bên mời thầu có thể tịch thu bảo lãnh dự thầu, áp dụng Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, trong đó có mức phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi không tiến hành thương thảo hợp đồng trong lựa chọn nhà thầu.

Chuyên đề