Xin cám ơn... tiền rẻ!

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Xuân Nhâm Dần đã đến. Một năm giao dịch đầy ắp cảm xúc thăng hoa đã khép lại. VN-Index loanh quanh đâu đó khoảng 1.490 điểm, tăng 33% so với phiên đầu tiên của năm 2021, song tài khoản của nhiều nhà đầu tư đã sinh lời gấp đôi, thậm chí gấp ba, gấp bốn lần. Tất cả đều là nhờ "công ơn" của tiền rẻ...
Xu hướng dòng tiền năm 2022 được đánh giá tích cực bởi thị trường vẫn còn dư địa tăng trưởng. Ảnh: Phú An
Xu hướng dòng tiền năm 2022 được đánh giá tích cực bởi thị trường vẫn còn dư địa tăng trưởng. Ảnh: Phú An

Năm giao dịch như mơ

Quả thật đúng là như mơ. VN-Index ngay từ đầu năm được dự báo vượt 1.200 song đến cuối năm chỉ số bất ngờ lao lên công phá ngưỡng 1.500 điểm - mức cao nhất trong 21 năm hoạt động của sàn chứng khoán Việt Nam - trước sự ngỡ ngàng, vỡ oà hạnh phúc của tất cả các thành viên trên thị trường. Với mức tăng trưởng 33%, VN-Index thậm chí nằm trong top những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới, đồng thời là thị trường có mức sinh lời cao nhất toàn cầu.

Không ai khác, chiến binh lập nên kỷ lục lịch sử này chính là tiền rẻ. Tiền đổ cuồn cuộn vào thị trường khi mặt bằng lãi suất giảm trung bình 1 - 2% trong năm 2021 trước áp lực nặng nề của Covid-19 lên nền kinh tế. Tính từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, tổng mức giảm 1,5 - 2%, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí rẻ hơn, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng.

Tiền đã rẻ hơn trên khắp thế giới và Việt Nam. Nhờ đó, bình quân giá trị giao dịch mỗi phiên trên sàn HOSE trong năm qua đạt 21.900 tỷ đồng, tăng 254% so với năm 2020, nếu so với năm 2019 thì thanh khoản của sàn HOSE còn tăng gấp hơn 5 lần. Tính chung cả 3 sàn chứng khoán, thanh khoản lập kỷ lục vào phiên 3/11/2021, giá trị khớp lệnh đạt trên 52.000 tỷ đồng.

Lớp lớp nhà đầu tư mở tài khoản, dìu dắt nhau chinh phục thị trường. Tháng 12/2021 là tháng ghi nhận kỷ lục lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam với số nhà đầu tư cá nhân mở mới 226.580 tài khoản, nhiều hơn những gì đạt được của cả năm 2019 (khoảng 192.000 tài khoản). Lũy kế năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017 - 2020 (1,04 triệu tài khoản).

Thị trường có quá nhiều cơ hội, sóng nối sóng, ngành tăng nối ngành. Với hầu hết dân chơi chứng khoán, mùa xuân nay thật phơi phới. Những nhà đầu tư lãi gấp đôi, gấp ba thi nhau khoe tài sản khắp các room chứng khoán. Người khoe đổi nhà, người tậu xe mới, kẻ mua đất để dành, khiến cho kẻ ngoài cuộc cũng phải thèm thuồng, thảng thốt "ước gì mình cũng biết đầu tư chứng khoán".

Song có lẽ, hân hoan hơn cả lại chính là những doanh nghiệp nhanh nhạy chớp thời cơ để phát hành cổ phiếu tăng vốn, sẵn dòng tiền cho một năm 2022 hồi phục và vươn lên bứt phá. Thống kê cho thấy, năm 2021, phát hành cổ phiếu tăng vốn cao chưa từng có trong vòng 5 năm qua. Giá trị phát hành riêng 11 tháng năm 2021 đạt 97 nghìn tỷ đồng, tương ứng 7,3 tỷ cổ phiếu. Bất động sản, chứng khoán và ngân hàng là nhóm phát hành nhiều nhất trong năm 2021 với giá trị lần lượt 25 nghìn tỷ, 20 nghìn tỷ và 15 nghìn tỷ đồng.

Chốt phiên giao dịch gần như cuối cùng của năm 2021, câu lạc bộ vốn hoá tỷ USD chính thức gọi tên 60 doanh nghiệp. Đây là mức kỷ lục về số lượng doanh nghiệp niêm yết đạt vốn hoá tỷ USD trong 21 năm hoạt động của thị trường chứng khoán.

Nhờ dòng tiền rẻ, cổ phiếu “trà đá” cũng bỗng dưng hoá thiên nga. Tại thời điểm 1/6/2021, trên sàn HOSE có 76 mã có thị giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu, nhưng tới ngày 28/12, số mã có thị giá dưới mệnh giá chỉ còn 17, tức giảm 77% sau nửa năm, thậm chí không còn mã nào có giá 3.000 - 4.000 đồng/cổ phiếu. Riêng tại HNX và UpCOM, nhiều cổ phiếu tăng dựng đứng với thanh khoản tăng vọt, đồ thị dựng ngược như leo bậc thang. Ngay cả những cổ phiếu nội tại gần như chẳng có gì cũng thăng hoa, gấp ba gấp bốn lần thị giá đầu năm. Nhiều mã cổ phiếu ghi nhận tăng giá đến 100 - 400% như CMS, CEO, VTH, SDA, VKC, DZM, TC6… chỉ trong một tháng, trong khi vị thế doanh nghiệp, hiệu quả kinh doanh không có gì nổi trội, thậm chí thua lỗ.

Tiền rẻ còn hay hết?

Tổn thất nặng nề nhất mà thị trường phải hứng chịu năm qua có lẽ là từ khối ngoại. Nhóm này bán miệt mài từ đầu năm đến tận phiên cuối cùng của năm 2021, giá trị bán ròng lên tới 64.000 tỷ đồng. Trong khi dòng vốn nội trỗi dậy, gần 92.000 tỷ đồng đổ ròng vào thị trường với sự quật cường, giành hẳn thế thượng phong. Tuy nhiên, dòng tiền này liệu có giữ được phong độ? Khi kinh tế phục hồi, sản xuất kinh doanh tăng trưởng, tiền có tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán?

Những lo ngại này hoàn toàn có cơ sở. Chưa kể, lạm phát đang là câu chuyện khiến giới đầu tư đau đầu cân nhắc. Nhiều khả năng thời kỳ tiền rẻ đang đến hồi kết, đặc biệt tại các nước phát triển, nơi có sự phục hồi kinh tế nhanh hơn các nước đang phát triển như Việt Nam. Xu thế này là tất yếu, khó có chuyện đảo ngược tại Việt Nam.

Áp lực rút vốn khỏi thị trường thậm chí còn đến từ gói hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Vốn dĩ đây là gói hỗ trợ được nhiều nhà đầu tư mong đợi nhất để thị trường chứng khoán tiếp tục thăng hoa. Tuy nhiên, bản chất của việc phục hồi lần này không đơn thuần là bơm tiền rẻ như thị trường mong đợi. Gói hỗ trợ lần này phần nhiều hướng đến đầu tư công để kích thích các ngành nghề liên quan tăng trưởng. Mà thông thường, các hoạt động đầu tư, đặc biệt là đầu tư công sẽ được thực hiện bởi các nguồn tài trợ phần lớn thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ cho các tổ chức kinh tế trong hoặc ngoài nước. Do đó, nếu có việc bơm thêm tiền thông qua phát hành trái phiếu thì dòng tiền này chính là nguồn tiền dư thừa nhàn rỗi hiện có trên thị trường. Và nếu Chính phủ thực hiện theo cách này, thì tiền dần dần được đẩy vào các dự án đầu tư công, các dự án xây dựng hạ tầng. Tiền trên thị trường chứng khoán vì thế nhiều khả năng sẽ quay lại sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư dự báo dòng tiền có thể sẽ không tháo chạy ngay lập tức. Bởi nền kinh tế vận hành như một cỗ máy, cần có độ trễ nhất định để hấp thụ nguồn vốn dư thừa trên thị trường. Ngay cả khi tiền rẻ cũ tháo chạy thì sẽ có một lượng tiền mới khác từ chính nhà đầu tư cá nhân đổ vào thị trường để tìm kiếm cơ hội tại những cổ phiếu nền tảng cơ bản tốt, dự báo tăng trưởng mạnh khi nền kinh tế hồi phục.

Nói tóm lại, xu hướng dòng tiền năm 2022 nhìn chung vẫn rất tích cực bởi dư địa cho tăng trưởng lớn. Động lực chính đến từ việc nhà đầu tư tích cực mở tài khoản, gia tăng phổ cập và đại chúng hóa kênh đầu tư chứng khoán. Nếu số lượng tài khoản mở mới giữ nhịp độ tăng trưởng như hai năm qua thì mục tiêu Bộ Tài chính đặt ra - 5% dân số đầu tư chứng khoán năm 2025 - chỉ còn là gang tấc. Về dài hạn, chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn, nên ngay cả khi lãi suất huy động có tăng thêm 2 điểm phần trăm thì vẫn khó cạnh tranh. Trong khi đó, kênh trái phiếu doanh nghiệp mặc dù đã tăng quy mô mạnh nhưng đang đến giai đoạn rủi ro hơn.

Chuyên đề