Ông Florian J.Beranek - chuyên gia cao cấp về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của UNDP đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo Cẩm nang. Ảnh: Trần Nam |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng thư ký VCCI cho biết, Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Nghị định 59/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng vừa chính thức có hiệu lực. Đây là thời điểm phù hợp để doanh nghiệp có những thay đổi trong hành động nhằm ngăn ngừa các rủi ro trong kinh doanh.
Luật Phòng chống tham nhũng khuyến khích các doanh nghiệp ban hành, thực hiện các quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh. Mặc dù các quy tắc ứng xử đó không thể giải quyết được tất cả các vấn đề, nhưng theo đánh giá của bà Sitara Syed - Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, điều này có thể hỗ trợ giải quyết vấn nạn tham nhũng. Trên thế giới, rất nhiều công ty đã ban hành bộ quy tắc.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, ông Stephen Taylor - Trưởng bộ phận Chính trị, Đại sứ quán Anh cho rằng, tiêu chí để đánh giá sự thành công của doanh nghiệp không chỉ dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh mà còn được đánh giá dựa trên các yếu tố minh bạch, liêm chính, thực hiện quản trị công ty theo những tiêu chuẩn phù hợp với trình độ trong nước và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, doanh nghiệp cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử và quy trình tuân thủ vững mạnh. Theo quy định của Luật Phòng chống hối lộ của Vương quốc Anh năm 2010, doanh nghiệp phải xây dựng quy trình phòng chống hội lộ như là bằng chứng bảo vệ doanh nghiệp trong quá trình tố tụng.
Trình bày Dự thảo Cẩm nang áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh để lấy ý kiến rộng rãi tại Hội thảo, TS. Vũ Thị Phương Liên - đại diện Nhóm nghiên cứu cho rằng, áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, đặc biệt nâng cao năng lực quản lý rủi ro và ứng phó với khủng hoảng. Điều này giúp tạo ra cơ chế vận hành, quản lý doanh nghiệp trơn tru, minh bạch và hiệu quả. Từ đó, uy tín và hình ảnh của công ty cũng được cải thiện.
Để thực hiện được bộ quy tắc ứng xử và kiểm soát nội bộ trong kinh doanh, theo Nhóm nghiên cứu, không chỉ có vai trò của ban lãnh đạo công ty, mà còn cần sự tham gia của mọi thành viên trong công ty. Từ việc tuân thủ nội quy, quy chế, quy trình hoạt động của công ty, cho đến các quy định của luật pháp, đề cao các giá trị cốt lõi về tính chính trực, hành vi đạo đức và tính trách nhiệm..., tất cả điều này sẽ tạo nên văn hóa doanh nghiệp và thúc đẩy toàn công ty hướng tới mục tiêu đề ra.