Bộ KH&ĐT đã hướng dẫn, giải thích cụ thể với mỗi vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư kinh doanh mà các địa phương nêu ra. Ảnh: Lê Tiên |
“Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp có phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hay không?”, UBND tỉnh Đắk Nông nêu vấn đề và đề nghị bổ sung hướng dẫn. Tỉnh Thái Nguyên, Gia Lai nêu khó khăn trong việc xác định thủ tục thực hiện dự án khai thác khoáng sản. Theo đó, dự án khai thác khoáng sản thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản có phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư hay không, nếu có áp dụng thì đấu giá trước khi chấp thuận hay sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư?
Đây chỉ là 2 trong số 171 vấn đề vướng mắc xuất phát từ cách hiểu chưa thống nhất, chưa rõ được tổng hợp tại Báo cáo kết quả rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư kinh doanh được Bộ KH&ĐT báo cáo Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương.
Với mỗi vướng mắc mà các địa phương nêu ra, thông qua làm việc với các bộ, ngành liên quan, Bộ KH&ĐT đã tổng hợp đề xuất, đưa ý kiến hướng dẫn, giải thích cụ thể. Đơn cử, với vấn đề mà tỉnh Đắk Nông nêu ra ở trên, Bộ KH&ĐT giải thích: Theo Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu chế xuất được phân loại là dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp, do vậy không thuộc trường hợp phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo Nghị định 25/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, các dự án này cũng không phải là dự án sử dụng đất vào mục đích thương mại, dịch vụ theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai; được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất từ 11 năm sau thời gian xây dựng cơ bản đến toàn bộ thời gian thuê đất theo quy định tại Điều 19 Nghị định 46/2014/NĐ-CP (bổ sung tại Điều 3 Nghị định 135/2016/NĐ-CP). Do vậy, dự án không thuộc diện đấu thầu theo Nghị định 148/2020/NĐ-CP. Việc lựa chọn nhà đầu tư không thuộc diện đấu giá, đấu thầu theo quy định pháp luật về đất đai, đấu thầu, mà thực hiện theo thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành về các vấn đề vướng mắc do địa phương báo cáo, Bộ KH&ĐT xác định có 214 vấn đề khó khăn, vướng mắc đối với dự án đầu tư kinh doanh. Trong đó, ngoài 171 vấn đề vướng mắc do cách hiểu chưa thống nhất, cần được hướng dẫn thực hiện, còn 13 vấn đề liên quan đến kiến nghị sửa đổi quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội; 30 vấn đề liên quan đến kiến nghị sửa đổi quy định của nghị định, thông tư.
Đối với 13 vấn đề liên quan đến kiến nghị sửa đổi quy định của một số luật, có nhiều vướng mắc liên quan đến Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư...
Đối với 30 vấn đề liên quan đến kiến nghị sửa đổi quy định của nghị định, thông tư, có vướng mắc liên quan đến Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, Nghị định số 69/2008/NĐ-CP về thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án xã hội hóa; Nghị định số 83/2020/NĐ-CP về thủ tục đầu tư đối với dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng; Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án hạ tầng cụm công nghiệp…
Theo tổng hợp của Tổ công tác đặc biệt, 368 dự án đầu tư kinh doanh được các địa phương báo cáo đang gặp khó khăn đều là dự án có sử dụng đất, vốn đầu tư lớn, thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng các công trình thương mại dịch vụ, công nghiệp, năng lượng như đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, khu du lịch, trung tâm thương mại; nhà máy sản xuất điện gió, nhiệt điện khí; nhà máy sản xuất gạch, bê tông thương phẩm, sữa; nhà máy xử lý rác thải, cung cấp nước sạch; hạ tầng khu công nghiệp... Các vướng mắc xảy ra trong thời gian dài, chưa được tháo gỡ. Qua rà soát, Bộ KH&ĐT chia thành 3 nhóm vướng mắc, 264 dự án vướng mắc liên quan đến quy định của luật, 10 dự án vướng mắc liên quan quy định của văn bản dưới luật và 94 dự án vướng mắc liên quan đến cách hiểu chưa thống nhất, chưa chính xác của địa phương.
Trong khuôn khổ hoạt động của Tổ công tác đặc biệt, Bộ KH&ĐT đang phối hợp với các bộ, ngành, thành viên Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của một số dự án cụ thể.