Xác lập vị thế độc lập cho cơ quan quản lý cạnh tranh

(BĐT) - Việc xây dựng mô hình cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh như thế nào để phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao hiệu quả thực thi Luật là nội dung đang được bàn thảo, lấy ý kiến. 
Chuyện doanh nghiệp ngành hàng không đòi áp giá sàn vé máy bay là một điển hình về thao túng thị trường. Ảnh: Nhã Chi
Chuyện doanh nghiệp ngành hàng không đòi áp giá sàn vé máy bay là một điển hình về thao túng thị trường. Ảnh: Nhã Chi

Trong đó, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cơ quan quản lý cạnh tranh cần cắt bớt nhiệm vụ vốn là của thị trường và do thị trường điều tiết, chỉ nên tập trung vào nhiệm vụ chống độc quyền.

Bỏ vai trò điều tiết thị trường của Nhà nước

Ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia cho Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cho thấy, một trong những bất cập và là vấn đề “nhức nhối” bấy lâu nay tại Việt Nam là tình trạng thao túng thị trường, “làm mưa làm gió” của một số doanh nghiệp lớn, khiến thị trường cạnh tranh không lành mạnh. Điển hình là câu chuyện vài ba ông lớn ngành viễn thông “hợp lực” với nhau để đòi tăng giá cước 3G. Hay như câu chuyện hai doanh nghiệp lớn ngành hàng không “bắt tay” nhau đòi tăng giá sàn...

Ông Võ Văn Thành, Phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh thuộc Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, sau 12 năm thực thi Luật Cạnh tranh năm 2004, số vụ việc hạn chế cạnh tranh được điều tra và xử lý lại rất “khiêm tốn” với 8 vụ hạn chế cạnh tranh được đưa ra điều tra, và 5 vụ được xét xử... Trong khi đó, thực tế môi trường cạnh tranh tại Việt Nam tiềm ẩn nhiều hành vi có tác động tiêu cực tới thị trường, đặc biệt là trong ngành, lĩnh vực có quy mô lớn hoặc đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế.

Những câu chuyện trên còn cho thấy một vấn đề khác nữa là có nên hay không nên giữ vai trò điều tiết thị trường của các cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh (CQCT)? Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: “Vai trò của Nhà nước không phải là quản lý thị trường, mà nên làm sao cho thị trường vận hành một cách lành mạnh, đảm bảo cạnh tranh, thực thi đúng pháp luật về cạnh tranh”. 

Cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh cần hoạt động độc lập

Theo ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, CQCT phải đáp ứng yêu cầu quan trọng nhất là độc lập. Cần phải xác định rõ CQCT có vị thế như thế nào, thuộc quyền quản lý của ai và quan trọng nhất vẫn là tính độc lập, bản lĩnh của người đứng đầu, thượng tôn pháp luật.

Ông Nguyễn Đình Cung đề xuất: “CQCT chỉ nên thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cạnh tranh và phúc lợi xã hội. Nếu chỉ bảo vệ người tiêu dùng thì trong nhiều trường hợp sẽ mâu thuẫn với phúc lợi chung của xã hội. Bình ổn giá, tưởng như là để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng lại khiến cho nhà đầu tư bỏ đi vì không đảm bảo cạnh tranh công bằng. Về lâu dài, điều này sẽ là làm hại cho xã hội”.

Vì sao phải hoạt động độc lập, TS. Đặng Quang Vinh (CIEM) cho rằng, đó là vì CQCT có nhiều quyền tự quyết về điều tra, xử lý vụ việc; nhiều lợi ích; là đối tượng can thiệp của doanh nghiệp và chính giới... Cho nên, CQCT phải hoạt động độc lập để đảm bảo hành động phù hợp với lợi ích công cộng, tính thống nhất trong cách ứng xử với các vụ việc cạnh tranh. Cùng với việc độc lập trong quyền hạn, CQCT còn phải chịu cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình chặt chẽ.

Nhiều ý kiến cho rằng, CQCT thuộc bộ là vị trí kém độc lập nhất vì ở một số nước, Chính phủ có thể can thiệp với lý do lợi ích công cộng, làm giảm tính độc lập. Tính độc lập này phải được quy định trong hiến pháp hoặc luật riêng. Tính độc lập phải được thể hiện rõ ràng trong việc bổ nhiệm lãnh đạo, về ngân sách, mô hình điều tra, xét xử - hành chính, công bố thông tin...       

Chuyên đề