WHO: Covid-19 sẽ đột biến như bệnh cúm và có thể “ở lại với chúng ta”

0:00 / 0:00
0:00
“Tôi cho rằng virus này sẽ ở lại với chúng ta và sẽ tiến hoá như virus gây bệnh cúm. Có người nói rằng chúng ta sẽ tiêu diệt hoặc xoá bỏ virus này. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra, rất có khả năng là như vậy”...
Tiến sỹ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp y tế của WHO, trong một cuộc họp báo ở Geneva, Thuỵ Sỹ - Ảnh: Reuters.
Tiến sỹ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp y tế của WHO, trong một cuộc họp báo ở Geneva, Thuỵ Sỹ - Ảnh: Reuters.

Covid-19 có thể sẽ “ở lại với chúng ta” do virus tiếp tục đột biến tại các quốc gia chưa được tiêm đủ vaccine trên thế giới và những tia hy vọng trước đây về việc xoá bỏ căn bệnh này giờ đang lụi dần - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định ngày 7/9. Ngoài ra, WHO cũng cáo buộc các nước giàu tích trữ vaccine, thuốc men và thiết bị bảo hộ, khiến đại dịch kéo dài.

“Tôi cho rằng virus này sẽ ở lại với chúng ta và sẽ tiến hoá như virus gây bệnh cúm, trở thành một trong những virus khác ảnh hưởng đến chúng ta”, tiến sỹ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp y tế của WHO, nói trong một cuộc họp báo.

Giới chức WHO trước đây từng nói rằng vaccine không thể đảm bảo rằng thế giới sẽ xoá sạch được Covid-19, tương tự như đối với các virus khác. Nhiều chuyên gia y tế hàng đầu - bao gồm cố vấn y tế cấp cao nhất của Nhà Trắng, tiến sỹ Anthony Fauci, và CEO của hãng vaccine Covid-19 Moder, ông Stephane Bancel - đã cảnh báo rằng thế giới sẽ phải chung sống vĩnh viễn với Covid như với bệnh cúm.

“Có người nói rằng chúng ta sẽ tiêu diệt hoặc xoá bỏ virus này”, ông Ryan nói. “Nhưng điều đó sẽ không xảy ra, rất có khả năng là như vậy”.

Giới chức WHO cũng nói rằng nếu thế giới có những biện pháp sớm để ngăn chặn sự lây lan của virus Sars-CoV2, tình hình hiện nay có thể đã rất khác.

“Chúng ta đã có một cơ hội vào đầu đại dịch này”, trưởng kỹ thuật của WHO về Covid-19, bà Maria Van Kerkhove, phát biểu ngày 7/9. “Đại dịch lẽ ra đã không trở nên tồi tệ tới mức này”.

Trong một phiên hỏi đáp trên các tài khoản mạng xã hội của WHO ngày 7/9, bà Kerkhove chỉ trích các nước giàu tích trữ vaccine Covid, các loại thuốc điều trị bệnh này, và trang thiết bị bảo hộ. Bà nói rằng việc các nước giàu không phân phối một cách công bằng những nguồn lực chống Covid là một nguyên nhân thúc đẩy virus bùng phát mạnh trên khắp thế giới.

“Đây là một sự không công bằng, không chỉ là vấn đề đạo đức, mà còn là một nguyên nhân khiến đại dịch kéo dài. Kết quả là nhiều nhiều sinh mạng mất đi”, bà Kerkhove nói.

Hồi đầu tháng 8, WHO đã kêu gọi các nước giàu hoãn việc tiêm nhắc lại vaccine Covid ít nhất 2 tháng, thay vào đó chuyển nguồn vaccine dư thừa cho các nước nghèo nhằm đến tháng 9 tiêm đủ cho ít nhất 10% dân số tại tất cả mọi quốc gia trên thế giới. WHO đặt mục tiêu đến tháng 12 tiêm đủ vaccine cho 40% dân số thế giới.

Mỹ đã tiêm vaccine Covid cho 53% dân số và đã tiêm tăng cường cho hơn 1,3 triệu người. Liên minh châu Âu (EU) đã tiêm đủ cho 57% dân số và đang tiêm nhắc lại ở Pháp và Anh. Trong khi đó, châu Phi mới tiêm đủ cho chưa đến 3% dân số - theo WHO.

Với tốc độ tiêm như hiện nay, 80% số quốc gia ở châu Phi không thể đạt mục tiêu tiêm đủ cho 10% dân số vào cuối tháng 9 này.

Chiến dịch tiêm nhắc lại đại trà ở Mỹ sẽ bắt đầu vào ngày 20/9 tới. Nhà Trắng nói rằng Mỹ đã tài trợ hơn 110 triệu liều vaccine trong tổng số 500 triệu liều mà Tổng thống Joe Biden hồi tháng 6 cam kết tài trợ cho khoảng 100 quốc gia đang phát triển trên thế giới.

Tuy nhiên WHO nói rằng các nước giàu vẫn chưa làm đủ trong việc cung cấp vaccine, thuốc men và thiết bị bảo hộ cho cuộc chiến chống Covid toàn cầu.

“Những lời hùng biện rất tuyệt vời, tất cả đều về chia sẻ và bình đẳng”, ông Ryan nói. “Nhưng trên thực tế, khi có vaccine, thuốc men và trang thiết bị, thì những thứ này lại được tích trữ ở một số quốc gia chứ không hề được chia sẻ như đã hứa”.

Chuyên đề