WHO bắt đầu phân phối vaccine Trung Quốc, dự kiến giao 100 triệu liều trong 1 tháng

0:00 / 0:00
0:00
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự kiến đến hết tháng 9 sẽ phân phối 100 triệu liều vaccine Covid-19 Sinovac và Sinopharm, chủ yếu tới các nước châu Phi và châu Á...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Đây sẽ là lần đầu tiên chương trình vaccine Covid mang tên COVAX của WHO phân phối vaccine do Trung Quốc sản xuất - theo tin từ Reuters.

Việc WHO bắt đầu phân phối vaccine Sinovac và Sinopharm sẽ giúp đẩy nhanh COVAX, sáng kiến chia sẻ vaccine với mục tiêu giao 2 tỷ liều trong năm nay. Đến hiện tại, COVAX còn cách xa mục tiêu đề ra, do những vấn đề về nguồn cung và lệnh hạn chế xuất khẩu vaccine của Ấn Độ - quốc gia sản xuất vaccine hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, động thái của WHO cũng được cho là giúp thúc đẩy nỗ lực ngoại giao vaccine của Trung Quốc, cho dù hiệu quả vaccine do Trung Quốc sản xuất có thể không cao như một số loại do các hãng dược phương Tây sản xuất.

Trong số 100 triệu liều vaccine Trung Quốc mà WHO dự kiến phân phối đợt này, một nửa là vaccine Sinopharm và một nửa là vaccine Sinovac.

Kế hoạch của COVAX là phân bổ số vaccine Trung Quốc nói trên cho 60 quốc gia, chủ yếu là châu Phi. Khu vực này dự kiến được trao 1/3 trong tổng số 100 triệu liều.

Song có một số nước tỏ ý không sẵn sàng tiếp nhận vaccine Trung Quốc.

Nam Phi là một trong những nước được COVAX phân bổ nhiều vaccine Trung Quốc nhất, dự kiến được nhận 2,5 triệu liều Sinovac. Tuy nhiên, ông Nicholas Crisp - một quan chức y tế cấp cao Nam Phi - nói với Reuters rằng nước này hiện chưa muốn nhận số vaccine đó.

“Chưa có đủ thông tin về hiệu quả chống biến chủng Delta và chưa có dữ liệu về vaccine Sinovac đối với những người mắc HIV”, ông Crisp phát biểu. “Chúng tôi chưa chấp nhận số vaccine Sinovac từ COVAX vì quy trình đánh giá của chúng tôi vừa mới bắt đầu”.

Nigeria là nước châu Phi được phân bổ nhiều vaccine Trung Quốc nhất trong sáng kiến COVAX, với lượng phân bổ gần 8 triệu liều Sinopharm. Nigeria đã phê duyệt vaccine Sinopharm, nhưng nói rằng vaccine này là một lựa chọn “tiềm năng” cho chương trình tiêm chủng của mình.

Giới chức Kenya, Rwanda, Togo, và Somalia - những nước được phân bổ ít vaccine Trung Quốc hơn - nói không lo ngại gì về vaccine Trung Quốc vì các vaccine đó đã được WHO phê chuẩn và họ cần có vaccine để tiêm sớm nhất có thể.

WHO bắt đầu phân phối vaccine Trung Quốc sau khi tổ chức này phê chuẩn cho trường hợp khẩn cấp đối với vaccine Sinopharm vào tháng 5 và vaccine Sinovac vào tháng 6.

Nếu tính cả vaccine Trung Quốc, COVAX dự kiến đến hết tháng 9 phân phối được 500 triệu liều vaccine Covid. Đến nay, sáng kiến này đã giao 215 triệu liều vaccine, chủ yếu là vaccine AstraZeneca.

Ukraine là nước duy nhất ở châu Âu có tên trong danh sách được COVAX phân bổ vaccine Trung Quốc, với lượng phân bổ 160.000 liều Sinovac.

Các nước châu Á dự kiến nhận hơn 25 triệu liều vaccine Trung Quốc trong đợt này, trong đó có 11 triệu liều Sinovac cấp cho Indonesia. Đất nước đông dân nhất Đông Nam Á vì thế sẽ trở thành nước nhận nhiều vaccine Trung Quốc nhất thông qua COVAX.

Số vaccine Trung Quốc còn lại sẽ được COVAX phân phối tới khu vực Mỹ Latin và Trung Đông.

Indonesia đã quyết định tiêm nhắc lại, chủ yếu bằng vaccine Moderna, cho nhân viên y tế - những người chủ yếu được tiêm bằng vaccine Sinovac. Động thái tương tự cũng diễn ra ở các nước khác đã tiêm vaccine Sinovac, như Brazil và Chile.

Nhân viên y tế chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ những người được tiêm phòng Covid ở Indonesia, nhưng chính sách tiêm nhắc lại của nước này được xem là một dấu hiệu cho thấy sự suy giảm niềm tin vào vaccine Sinovac.

Khi được hỏi vì sao mua vaccine Sinovac - loại vaccine mà Indonesia cũng nhận số lượng lớn thông qua các thoả thuận song phương - một quan chức Bộ Y tế Indonesia nói với Reuters: “Sinovac đảm bảo được với chúng tôi về số lượng vaccine họ có thể giao”.

Chuyên đề