Các bị cáo tại phiên tòa |
Phương Trang trả tiền cho “Vũ nhôm” để mua đất
Ngày 16/5, TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín - viết tắt Trustbank, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) cùng 27 đồng phạm. Các bị cáo bị truy tố ở 2 tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo hồ sơ vụ án, từ ngày 31/5/2010 đến ngày 29/6/2010, ngân hàng Đại Tín đã giải ngân bằng tiền mặt 880 tỉ đồng nhưng nhóm Phương Trang xác định chỉ nhận 500 tỉ đồng.
Cụ thể, trên hồ sơ vay và chứng từ giải ngân đã ký, Ngân hàng Đại Tín đã giải ngân cho Công ty CP Đầu tư Sài Gòn Phú Gia 300 tỉ nhưng chỉ thực nhận 199 tỉ đồng.
Đối với việc giải ngân khoản vay 300 tỉ đồng của công ty CP Địa ốc Kỷ Nguyên, thực tế công ty Phương Trang chỉ nhận 211 tỉ đồng.
Tương tự, trên hồ sơ Ngân hàng Đại Tín đã giải ngân 110 tỉ đồng cho Công ty TNHH Thành Đăng (nay là Công ty TNHH SGD bất động sản Phương Trang) nhưng thực tế công ty Phương Trang chỉ nhận 90 tỉ đồng.
Tại tòa, luật sư Trương Vĩnh Thủy cho rằng Ngân hàng Đại Tín đã giải ngân đủ 110 tỉ đồng cho công ty Phương Trang. Hồ sơ thể hiện phía công ty Phương Trang đã giải ngân 2 khoản tiền.
Cụ thể, khoản giải ngân thứ nhất là khoản lĩnh tiền mặt do ông Phạm Quốc Tuấn nhận 30 tỉ đồng vào ngày 26/5/2010, khoản giải ngân thứ 2 là 80 tỉ cho công ty Thành Hiếu.
Sau đó, từ công ty Thành Hiếu đã chuyển trả cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") 30 tỉ đồng tiền mua đất ở Đà Nẵng, còn 50 tỉ đồng chuyển qua ngân hàng khác để rút tiền mặt.
Tuy nhiên, đại diện công ty Phương Trang không xác nhận chi tiết này và cho rằng hồ sơ thể hiện rất rõ phía công ty Phương Trang chỉ xác nhận đã nhận 90 tỉ đồng mà không trả lời thêm.
“Ngân hàng của tôi đừng có xía vô”
Tiếp theo luật sư Lưu Văn Tám bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn hỏi bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Tín) tình trạng của công ty Phương Trang trước khi vay tiền tại ngân hàng Đại Tín.
Bị cáo Toàn cho biết, thông qua bà sáu Phấn, nhóm Phương Trang vay tiền tại ngân hàng Đại Tín. Lúc này, Phương Trang đang vay tại ngân hàng TMCP Sài Gòn và dư nợ không được tốt lắm, tôi nghe thông tin này và nói lại cho bà Phấn biết nhưng bà Phấn nói “ngân hàng của tôi đừng có xía vô”. Toàn bộ hoạt động vay tiền của công ty Phương Trang do HĐQT ngân hàng Đại Tín do quyết định.
Liên quan đến khoản vay mua phát hành trái phiếu 2.000 tỉ đồng tại công ty Trường Vĩ (một trong những công ty con của Phương Trang), quá trình xét hỏi tại toà, đại diện công ty Phương Trang và kết luận cáo trạng thể hiện Phương Trang chưa được giải ngân số tiền này.
Luật sư Lưu Văn Tám hỏi tiếp ông Toàn có biết nội dung 2 văn bản của công ty Phương Trang phát hành năm 2012 hay không? Theo đó, nội dung văn bản 1 có chi tiết, Phương Trang nhận có khoản dư nợ trái phiếu và đã trả lãi. Văn bản 2 Phương Trang cũng xác nhận tổng dư nợ tại thời điểm trên tại ngân hàng Đại Tín là 4.523 tỉ đồng nhưng tại toà Phương Trang chỉ nhận 3.936 tỉ đồng, con số chênh nhau gần 600 tỉ đồng?
Ông Toàn cho biết, thời điểm đó ông không nhìn thấy văn bản trên, đến khi Thanh tra Nhà nước vào làm việc tại ngân hàng Đại Tín thì ông mới thấy văn bản này. Về con số chênh lệch dư nợ của Phương Trang, ông Toàn nói không có ý kiến.
Cũng liên quan đến nội dung trên, trả lời thẩm vấn của luật sư, ông Trần Sơn Nam (nguyên Tổng giám đốc ngân hàng Đại Tín) khai, toàn bộ các khoản vay của Phương Trang đều thực hiện tại ngân hàng Đại Tín. Trả lời luật sư về thời điểm đó Phương Trang có sẵn tài sản để đưa vào thế chấp tại ngân hàng Đại Tín hay không, ông Nam nói không nhớ chính xác nhưng nếu hồ sơ đã trình HĐQT thì phải có tài sản rồi.
Liên quan tới vấn đề này, ông Đặng Văn Thảo - đại diện ngân hàng Nhà nước, cho rằng trong quá trình thanh tra ngân hàng Đại Tín, ông có nghe đoàn thanh tra báo cáo. Theo đó đoàn thanh tra ngân hàng Nhà nước nhiều lần mời công ty Phương Trang lên làm việc tuy nhiên công ty này không có mặt.