Vụ Bí thư thị xã Bến Cát: Tài sản nhà nước không bị xâm phạm?

Tại phiên tòa, các bị cáo đồng loạt kêu oan, các luật sư cho rằng trong vụ án này các bị cáo không được nhà nước giao tài sản để quản lý và tài sản nhà nước không bị xâm phạm.
Vụ Bí thư thị xã Bến Cát: Tài sản nhà nước không bị xâm phạm?

Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hồng Khanh (sinh năm 1967, nguyên Bí thư thị xã Bến Cát) về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí tiếp tục được diễn ra vào chiều 21/5.

Trong phiên tòa buổi sáng, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Huy Hùng (sinh năm 1968, nguyên Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Tây Sài Gòn) và Nguyễn Quang Lộc (sinh năm 1970, nguyên cán bộ cấp dưới của bị cáo Hùng) mức án từ 12 – 14 năm tù, bị cáo Nguyễn Hồng Khanh mức án từ 10 – 12 năm tù.

Phiên tòa xét xử ngày 21/5.

Tự bào chữa tại tòa, bị cáo Khanh cho rằng mình không phạm tội, không được nhà nước giao tài sản để quản lý cũng như không gây thiệt hại. Bị cáo Khanh cho rằng xét về mặt đạo lý, vợ chồng bị cáo mua đất của bà Hồ Thị Hiệp thông qua môi giới và theo giá thị trường, nên cáo buộc bị cáo câu kết với cán bộ ngân hàng BIDV là vô lý.

Bào chữa cho bị cáo Khanh, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội), luật sư Bùi Thị Hồng Giang (Đoàn luật sư TP Hà Nội) và luật sư Lê Thị Minh Nhân (Đoàn lật sư TPHCM) cho rằng cáo buộc của Viện Kiểm sát là không có căn cứ pháp luật.

Các luật sư đưa ra hàng loạt lập luận chứng minh hành vi của bị cáo Khanh không đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.

Theo luật sư, cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát đã hình sự hóa quan hệ dân sự. Việc mua bán giữa bị cáo Khanh và bà Hiệp là quan hệ dân sự được pháp luật công nhận, đồng thời, cơ quan tố tụng không có các chứng cứ vật chất để buộc tội bị cáo...

Luật sư Trần Minh Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Nguyễn Huy Hùng (sinh năm 1968, nguyên giám đốc chi nhánh ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Tây Sài Gòn) cũng cho rằng quan điểm luận tội của Viện Kiểm sát đối với bị cáo Hùng là không đúng.

Theo luật sư, trong vụ án này, bị cáo Hùng không được Nhà nước giao tài sản để quản lý, tài sản Nhà nước không bị xâm phạm và không có thiệt hại. Bên cạnh đó, cơ quan tố tụng tách vụ án không đúng với quy định của pháp luật ảnh hưởng tới quyền lợi của bị cáo Hùng. Từ đó, luật sư cho rằng thân chủ của mình không phạm tội.

Bị cáo Nguyễn Hồng Khanh.

Đối đáp lại quan điểm của luật sư và các bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát bảo lưu quan điểm và khẳng định cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan sai. Về vật chất vật chất buộc tội các bị cáo, theo Viện Kiểm sát, đó là bản hợp đồng 3 bên được thu giữ trong quá trình điều tra. Viện cũng bảo lưu quan điểm việc tách vụ án là thực hiện đúng theo quy trình tố tụng.

Trước khi HĐXX nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng. Bị cáo Nguyễn Hồng Khanh một lần nữa khẳng định mình không phạm tội,  không thỏa thuận, câu kết với cán bộ ngân hàng trong việc mua bán tài sản với bà Hiệp. Theo bị cáo Khanh, bản chất vụ án này là “trù dập” bị cáo. Từ đó, bị cáo Khanh đề nghị HĐXX xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án để có một bản án phù hợp.

Bị cáo Hùng cho rằng trong vụ án này bị cáo không có động cợ vụ lợi, bị cáo đồng ý cho bà Hiệp bán tài sản đảm bảo nhằm mục đích thu hồi nợ cho ngân hàng. Từ đó, đề nghị HĐXX xem xét lại bối cảnh phạm tội cũng như hành vi của bị cáo.

Còn bị cáo Lộc thừa nhận mình có sai sót trong quá trình xử lý nợ của bà Hiệp nhưng chỉ sai phạm nguyên tắc trong hoạt động của ngân hàng chứ không tới mức phải xử lý hình sự. Việc bà Hiệp bán tài sản cho bị cáo Khanh là giao dịch ngay tình không có sự ép buộc và giá mua bán phù hợp với giá trị thực tế trên thị trường.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận thấy tính chất vụ án phức tạp nên cần nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào chiều 28/5.

Chuyên đề