Vốn cho dự án điện vẫn “tắc”

(BĐT) - Thông tin Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã hoàn thành đến hơn 84% khối lượng công việc, nhưng đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành do thiếu vốn đang “nóng” những ngày gần đây. Nhìn lại vấn đề vốn cho dự án điện, đây không phải là vấn đề mới, mà đã được đề cập trước đó rất lâu, nhưng lời giải cho bài toán này vẫn còn bỏ ngỏ.
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã hoàn thành 84,19% khối lượng công việc, nhưng có nguy cơ chậm tiến độ do gặp khó khăn về dòng tiền
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã hoàn thành 84,19% khối lượng công việc, nhưng có nguy cơ chậm tiến độ do gặp khó khăn về dòng tiền

Hàng loạt dự án chậm tiến độ

Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - chủ đầu tư Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, hiện Dự án đã hoàn thành 84,19% khối lượng công việc, nhưng đang có nguy cơ chậm tiến độ do gặp khó khăn về dòng tiền. “Dự án đang thiếu hụt nguồn vốn vay do không được Bộ Tài chính cho giải ngân hơn 327/937 triệu USD vốn vay nước ngoài đã được Chính phủ bảo lãnh và các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước chưa cho vay, do đó trước mắt cần phải sử dụng vốn chủ sở hữu để giải ngân mới đáp ứng mục tiêu phát điện”, PVN cho biết.

Không sáng hơn về tiến độ so với Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, PVN cho biết thêm, hiện tiến độ Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 cũng đang gặp khó khăn khi tổng mức đầu tư điều chỉnh của Dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

“Tắc” vốn cho các dự án điện không dừng ở 2 dự án điển hình trên, mà còn được Bộ Công Thương cho là bài toán nan giải bấy lâu nay dẫn đến hàng loạt dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh đang chậm tiến độ. Tại Báo cáo về tình hình thực hiện các dự án điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh mới đây, Bộ Công Thương chỉ ra, khó khăn trong thu xếp vốn đầu tư là một trong 4 nguyên nhân chính gây chậm tiến độ các dự án điện hiện nay.

 “Việc thu xếp vốn của các tập đoàn và các chủ đầu tư trong nước khó khăn do Chính phủ dừng chủ trương bảo lãnh vốn. Nguồn vốn ODA để đầu tư các dự án điện rất hạn chế, thậm chí một số khoản vay đã có cam kết của ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế nhưng vẫn không được các cơ quan quản lý chấp thuận. Việc thu xếp các nguồn vốn trong nước rất khó khăn. Hiện tại, hầu hết các ngân hàng trong nước đã vượt hạn mức tín dụng đối với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan”, Bộ Công Thương lý giải.

Số liệu của Bộ Công Thương ghi nhận, trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao thực hiện 23 dự án nguồn điện với tổng công suất 14.809 MW thì có tới 13 dự án chậm hoặc lùi tiến độ. PVN được giao đầu tư 8 dự án với tổng công suất 11.400 MW thì cả 8 dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc và khó có thể hoàn thành đúng tiến độ. Tương tự, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) thực hiện 4 dự án với tổng công suất là 2.925 MW, nhưng hiện tất cả các dự án này cũng chậm tiến độ từ 2 năm trở lên… 

Không giao dự án/gói thầu cho nhà thầu không có năng lực

Trước tình hình các dự án nguồn điện do doanh nghiệp nhà nước làm chủ đầu tư chậm tiến độ hàng loạt dẫn tới nguy cơ thiếu điện, các chuyên gia ngành điện kiên quyết cho rằng, các dự án điện phải được giao cho nhà thầu có năng lực.

Nhìn vào thực trạng bết bát của Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 hiện nay, trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng nhấn mạnh: “Phải kiên quyết không giao các dự án/gói thầu lĩnh vực điện cho nhà thầu không có đủ năng lực”.

Chung quan điểm này, một đại diện công ty tư vấn điện cho rằng, trường hợp lựa chọn các nhà đầu tư, tổng thầu, nhà thầu không đáp ứng thì kiên quyết thu hồi dự án, thay thế bằng các nhà thầu có năng lực. Quyết không bơm ngân sách để cứu những dự án này.

Và để giải quyết bài toán thu hút các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực điện, giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước, chuyên gia tư vấn này nêu quan điểm, hiện giá điện ở Việt Nam chưa hấp dẫn với nhà đầu tư. Do đó, chính sách về giá điện hợp lý cùng với việc minh bạch thị trường điện sẽ là giải pháp quan trọng để thu hút thêm các nhà đầu tư.

Ngoài ra, với các dự án năng lượng tái tạo hiện chưa giải tỏa được công suất, chuyên gia cũng đề nghị cơ quan chức năng cho phép bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo. Cụ thể là đẩy sớm tiến độ một số trạm biến áp 220 kV, nâng công suất một số trạm biến áp…

Chuyên đề