Phiên giao dịch đầu tiên tuần cuối cùng của tháng 3 đã kết thúc với mức tăng gần 18 điểm, đưa VN-Index vượt ngưỡng 1.171 điểm và lấy lại phần lớn điểm số đã sụt giảm cuối tuần trước. Trên sàn Hà Nội, cả HNX-Index và UPCOM-Index đều giữ được sắc xanh khi tăng lần lượt 1,36% và 0,19%.
Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 9.500 tỷ đồng, trong đó riêng sàn HoSE đạt hơn 7.400 tỷ đồng. Dòng tiền quay trở lại đã giúp nhiều cổ phiếu trở lại mức giá khi thị trường đạt đỉnh vào giữa tuần trước.
VN-Index một lần nữa quay lại mốc 1.171 điểm. Ảnh:SSI
Sau phiên sáng với giao dịch ở trạng thái giằng co, VN-Index bất ngờ tăng mạnh khi thị trường bước vào phiên buổi chiều. Chỉ số này có thời điểm đã đạt gần 1.177 điểm, dù sau đó bị thu hẹp đà tăng xuống mức giá đóng cửa tại 1.171,22 điểm.
Tâm điểm của thị trường phiên hôm nay thuộc về nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (bluechip), khi 10 cổ phiếu đứng đầu đã góp hơn 10 điểm vào mức tăng chung của VN-Index. VN30-Index cũng tăng gần 18 điểm, tương đương 1,6% lên gần 1.147 điểm.
Trong số này, mỗi cổ phiếu VIC của Vingroup tăng 4.300 đồng, tương đương hơn 4% và góp 2,32 điểm vào mức tăng chung của VN-Index. Cổ phiếu VJC của Vietjet tăng 9.500 đồng, VCB của Vietcombank tăng 2.000 đồng, BVH của Tập đoàn Bảo Việt cũng tăng 5.300 đồng.
Tuy nhiên, tình trạng "xanh vỏ đỏ lòng" vẫn chưa có nhiều chuyển biến khi độ rộng của thị trường vẫn đang mở ra về cả chiều tăng và giảm. Trên sàn HoSE, số cổ phiếu tăng và giảm lần lượt là 146 và 138, có thời điểm số cổ phiếu giảm vẫn áp đảo dù VN-Index đã tăng hơn 10 điểm.
Trong số các cổ phiếu giảm mạnh, dầu khí là cái tên đáng chú ý. Cổ phiếu GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam giữ sắc xanh đến đầu phiên chiều, nhưng sau đó bất ngờ bị bán mạnh. Vào phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), cổ phiếu này có thời điểm bị ép về mức giá sàn với dư bán ATC tăng vọt, dù sau đó đã hồi lại chỉ còn giảm 1.300 đồng.
Tuy nhiên cổ phiếu PVD và PVS không được như vậy khi hai cái tên này đến cuối phiên đều "trắng bảng bên mua". Riêng cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam đến cuối phiên còn dư bán hơn 4 triệu đơn vị.
Trong bản tin đầu phiên giao dịch hôm nay (26/3), nhiều công ty chứng khoán đều có chung nhận định rằng VN-Index có thể sẽ đi ngang và giằng co trong biên độ 1.140-1.180 cho đến khi đạt đủ sự đồng thuận để bứt phá khỏi vùng này.
Công ty chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cho rằng tâm lý thị trường sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ diễn biến vĩ mô thế giới. Đơn vị này khuyến nghị nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi và cân đối lại tỷ trọng danh mục để giảm thiểu rủi ro trong những phiên giao dịch sắp tới.
Trong khi đó, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVS) đánh giá với diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán toàn cầu, kết hợp với việc chỉ số VN-Index đã tăng mạnh và đang biến động quanh vùng đỉnh lịch sử, nhiều khả năng áp lực chốt lời tiếp tục ở mức cao.