VN-Index đóng cửa “chênh vênh” mốc 1.500 điểm

0:00 / 0:00
0:00
Đà đi lên cuối phiên sáng lẽ ra đã giúp thị trường “bay bổng” hơn trong phiên chiều, nhưng khả năng trụ giá không tốt ở nhóm cổ phiếu blue-chips thiếu chút nữa gây thất vọng. VN-Index lao dốc khá dài buổi chiều và chỉ nhảy trở ngay ngay ngưỡng 1500 điểm ở phút ATC...
VN-Index giữ được mốc 1500 điểm phút cuối.
VN-Index giữ được mốc 1500 điểm phút cuối.

Đà đi lên cuối phiên sáng lẽ ra đã giúp thị trường “bay bổng” hơn trong phiên chiều, nhưng khả năng trụ giá không tốt ở nhóm cổ phiếu blue-chips thiếu chút nữa gây thất vọng. VN-Index lao dốc khá dài buổi chiều và chỉ nhảy trở ngay ngay ngưỡng 1500 điểm ở phút ATC.

VCB vẫn tăng 2,19%, kéo điểm số nhiều nhất cho VN-Index. Tuy nhiên VCB lại không phải là mã quyết định chỉ số này có giật lại được mốc 1.500 điểm hay không. VHM, HPG mới là những cổ phiếu có vai trò lớn.

Thị trường phiên chiều có 1 nửa thời gian đầu phiên là trượt dốc. VN-Index từ đỉnh cao 1.505,36 điểm lao xuống 1.496,37 điểm lúc gần 2h. Mức trượt không nhiều, chỉ khoảng 0,6%, nhưng có thể đem lại thất vọng: Thị trường đã không thể vượt dứt khoát được ngưỡng tâm lý 1.500 điểm, dù độ rộng áp đảo, ngay cả với nhóm VN30.

VCB biến động ít trong phiên chiều, một góc độ nào đó là chỉ giúp VN-Index hãm đà giảm. Đến cuối đợt khớp lệnh liên tục, VCB vẫn đứng im quanh mức 107.100 đồng và ATC cũng không suy chuyển. Trong khi đó VN-Index đến cuối đợt liên tục còn thiếu khoảng 0,3 điểm nữa để tròn 1.500.

VHM tăng thêm 0,24% tương đương 2 bước giá, HPG tăng thêm 3 bước giá, tăng 1,23% so với tham chiếu là những mã lớn có tác động quyết định. Dĩ nhiên nhiều cổ phiếu khác cũng có nhảy giá thêm ở đợt cuối, nhưng vốn hóa của VHM và HPG mới đủ cân bằng cho những cổ phiếu lớn tụt giá như MSN, CTG, BID, SAB. Những cổ phiếu này đều để mất ít nhiều trong đợt khớp lệnh cuối.

Dù có yếu tố kỹ thuật nhất định nhưng VN-Index vẫn đóng cửa tại 1.500,81 điểm, đủ để chạm đến ngưỡng tâm lý quan trọng. Chỉ số tăng 0,8% với độ rộng khá tốt: 266 mã tăng/189 mã giảm. VN30-Index tăng 0,46% với 17 mã tăng/11 mã giảm.

Nhóm blue-chips không có được sức mạnh của các cổ phiếu ngân hàng nên đà tăng chậm lại ngay lập tức. Các cổ phiếu khác giao dịch tốt là NVL tăng 2,44%, HPG tăng 1,23%, GVR tăng 1,61%, FPT tăng 2,15%, PDR tăng 4,2%, SSI tăng 3,38%...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ có 9/27 mã trên 3 sàn là tăng giá. Ngoài sự xuất sắc của VCB và VPB, còn lại toàn các mã nhỏ như SSB, PGB, VAB, ABB, OCB. 5 mã ngân hàng trong nhóm VN30 đóng cửa mức giá đỏ, yếu nhất là HDB giảm 2,99%.

Mặc dù đà đi lên của chỉ số không nhiều quán tính, nhưng giao dịch cổ phiếu nhìn chung vẫn tích cực. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ mạnh lên là yếu tố quyết định giúp độ rộng sàn HoSE tốt. Hơn 150 mã trên sàn này đóng cửa tăng quá 1% là kết quả không tệ. HoSE cũng có tới 40 mã kịch trần, nhiều nhất kể từ khi nhóm cổ phiếu nhỏ bùng phát tăng giá cách đây 6 phiên. UpCOM cũng chỉ có 24 mã trần, HNX có 17 mã.

Dường như dòng tiền lại ưu tiên các cổ phiếu nhỏ sàn HoSE hơn các sàn khác dù giá trị khớp lệnh của rổ smallcap hôm nay không tăng, đạt 3.914 tỷ đồng. Giao dịch tại UpCOM giảm 16%, đạt 2.193 tỷ đồng. HNX không tăng, đạt 3.124 tỷ đồng. Nhiều cổ phiếu tăng trần trên HoSE có giao dịch rất tốt như BSI, HPX, DIG, CKG, TSC, DXG, TCH, CMX, SAM, DLG, ITA...

Rổ VN30 phiên này giao dịch yếu, chỉ khớp thành công 11.921 tỷ đồng, giảm 26% so với hôm qua. Giá trị khớp lệnh sàn HoSE giảm 14%, chủ yếu do VN30 giảm. Dù vậy nhóm này vẫn chiếm 7/10 vị trí thanh khoản lớn nhất tính theo giá trị. Tuy nhiên Top 10 kế tiếp hầu hết thuộc về các mã ngoài rổ VN30 như LPB, GEX, FLC, VND, VCI...

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay xả blue-chips dữ dội. VPB bị bán ròng khổng lồ 346 tỷ đồng, HPG gần 195 tỷ, MSN hơn 144 tỷ. VHM, VIC cung bị bán ròng tương ứng 94 tỷ và 73 tỷ đồng. Riêng cổ phiếu trong rổ VN30 bị bán ròng khoảng 691 tỷ đồng trong tổng số 950 tỷ rút ròng sàn HoSE.

Chuyên đề