Vĩnh Phúc: Có hiện tượng 'sân sau', thông đồng dìm giá trong đấu giá tài sản

0:00 / 0:00
0:00
Việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản còn chưa khách quan, còn trường hợp lựa chọn các tổ chức đấu giá tài sản “sân sau” để đấu giá . Ngoài ra còn xuất hiện hiện tượng thông đồng, dìm giá, băng nhóm “xã hội đen” gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại một số địa phương.

Theo thông tin từ Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc, sau 5 năm triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản, hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn đã đạt được một số kết quả tích cực. Toàn tỉnh đã có 8 tổ chức đấu giá (Trung tâm dịch vụ đấu giá thuộc Sở Tư pháp và 7 doanh nghiệp đấu giá) và 5 chi nhánh doanh nghiệp đấu giá. Số lượng đấu giá viên hoạt động tại các tổ chức đấu giá là 17 người.

Sau 5 năm, các tổ chức đấu giá trên địa bàn Vĩnh Phúc đã thực hiện trên 900 cuộc đấu giá, trong đó đấu giá thành công trên 700 cuộc với tổng giá khởi điểm của tài sản đấu giá gần 5.000 tỷ đồng, giá trúng đấu giá là hơn 6.000 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm là hơn 2.000 tỷ đồng. Các tổ chức đấu giá đã nộp thuế hơn 2 tỷ đồng.

Sở Tư pháp Vĩnh Phúc đã thực hiện 9 cuộc thanh tra, kiểm tra với tổ chức đấu giá tài sản, chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản. Qua đó ban hành 3 quyết định xử phạt đối với 3 tổ chức đấu giá tài sản do có hành vi vi phạm pháp luật, với tổng số tiền xử phạt là 34 triệu đồng.

Kiểm tra niêm phong hòm phiếu tại buổi công bố kết quả trả giá đấu giá 32 ô đất tại xã Quang Sơn,huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Sở Tư pháp Vĩnh Phúc

Kiểm tra niêm phong hòm phiếu tại buổi công bố kết quả trả giá đấu giá 32 ô đất tại xã Quang Sơn,huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Sở Tư pháp Vĩnh Phúc

Các cuộc tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh đều tuân thủ chặt chẽ các quy trình, thủ tục trong hoạt động đấu giá tài sản theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật có liên quan...

Tuy nhiên, hoạt động đấu giá tài sản trong một số trường hợp vẫn còn tồn tại, hạn chế, yếu kém như: việc xác định giá để làm giá khởi điểm tài sản đấu giá còn chưa sát với giá thị trường; việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản còn chưa khách quan, còn trường hợp lựa chọn các tổ chức đấu giá tài sản “sân sau” để đấu giá; việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá ở một số nơi chưa thường xuyên, thậm chí có biểu hiện buông lỏng; chất lượng, năng lực của đội ngũ đấu giá viên còn hạn chế; xuất hiện hiện tượng thông đồng, dìm giá, băng nhóm “xã hội đen” gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại một số địa phương.

Tình trạng nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: một số văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước khi Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực chưa được rà soát, sửa đổi kịp thời nên còn chồng chéo, mâu thuẫn; việc tổ chức thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật về hoạt động đấu giá tài sản còn chưa nghiêm; một số cơ quan, người có tài sản đấu giá còn thiếu trách nhiệm trong việc giám sát xử lý tài sản, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; tình trạng thông đồng, dìm giá, dàn xếp kết quả, cò mồi, đe dọa, cưỡng ép xảy ra khá tinh vi, phức tạp, khó phát hiện; công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa thường xuyên, việc xử lý chưa mang tính răn đe cao.

Chuyên đề