Vietcombank thu hơn 1.000 tỷ đồng từ nợ ngoại bảng, chi 3 tỷ USD mua tín phiếu

Lợi nhuận trước thuế Vietcombank tăng 59% so với cùng kỳ. Đóng góp phần lớn vào tăng trưởng lợi nhuận đến từ khoản tăng thu nhập các khoản cho vay đã xử lý bằng quỹ dự phòng.

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, mã VCB-HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2018 với lợi nhuận sau thuế 3.504 tỷ đồng, tăng 58,8% so với cùng kỳ. EPS riêng quý I đạt 974 đồng/cp.

Giải trình của Vietcombank cho biết thu nhập các khoản cho vay đã xử lý bằng quỹ dự phòng tăng thêm 1.009 tỷ đồng so với cùng kỳ, qua đó nâng thu nhập hoạt động khác của Vietocmbank quý I lên 1.602 tỷ đồng, từ mức 563 tỷ đồng cùng kỳ.

Một khoản bất thường khác cũng được ghi nhận trong quý này là 248 tỷ đồng thu từ bán cổ phần, trong đó phần lớn đến từ đấu giá cổ phần OCB hồi cuối tháng 3 vừa qua.

Thu nhập lãi thuần quý này cũng tăng 17% lên 6.197 tỷ đồng. Nguồn thu lớn thứ ba của Vietcombank sau thu nhập lãi và hoạt động khác là thu nhập từ hoạt động dịch vụ, góp 881 tỷ đồng, tăng 35,5% cùng kỳ.

Chi phí hoạt động tăng 29% lên 4.070 tỷ đồng chủ yếu do tăng chi phí cho nhân viên. Dù vậy, các nguồn thu nhập tăng trưởng đã giúp lợi nhuận trước thuế quý I của Vietcombank đạt 4.359 tỷ đồng, tăng 59% cùng kỳ.

Cùng với các khoản thu nhập đột biến giúp lợi nhuận tăng vọt trong kỳ, cơ cấu tài sản của Vietcombank cũng có nhiều biến động.

Tổng tài sản của Vietcombank đến 31/3 giảm nhẹ nhưng vẫn vượt 1 triệu đồng. Nhưng đáng chú ý, ngân hàng đã dành đáng kể nguồn lực để gia tăng lượng tín phiếu và trái phiếu Chính phủ.

Chỉ trong 3 tháng, hơn 66.700 tỷ đồng, tương đương 3 tỷ USD đã được Vietcombank chi ra để mua tín phiếu Kho bạc, tín phiếu, qua đó tăng giá trị khoản đầu tư này lên 68.700 tỷ đồng. Trái phiếu Chính phủ đầu tư sẵn sàng để bán và đầu tư giữ đến ngày đáo hạn xấp xỉ 105.000 tỷ đồng, tăng 7.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Các khoản cho vay khách hàng cũng tăng 6,02% lên 577.000 tỷ đồng, trong khi tăng trưởng huy động vốn đạt 3,17%. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng của tín dụng, nợ xấu cũng tăng tới 27% lên 7.896 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 và 5 đều tăng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,37% từ mức 1,14%.

Cơ cấu tài sản của ngân hàng lại giảm mạnh 74.100 tỷ đồng tiền gửi tại các ngân hàng khác. Các khoản góp vốn cũng giảm do thoái vốn cổ phần.

Chuyên đề