Việt Nam - Singapore: Rộng mở dư địa hợp tác trong các lĩnh vực mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long được kỳ vọng tiếp tục thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Singapore. Việt Nam ngày càng đón nhận mối quan tâm lớn của doanh nghiệp (DN) Singapore, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế số - kinh tế xanh và những lĩnh vực mới, đón đầu thời kỳ tăng trưởng sắp tới của Việt Nam.
Việt Nam được xếp hạng là một trong ba quốc gia hàng đầu để doanh nghiệp Singapore mở rộng hoạt động ra nước ngoài trong ngắn hạn. Ảnh: Lê Tiên
Việt Nam được xếp hạng là một trong ba quốc gia hàng đầu để doanh nghiệp Singapore mở rộng hoạt động ra nước ngoài trong ngắn hạn. Ảnh: Lê Tiên

Đối tác lớn, cùng bổ trợ phát triển

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 8 tháng đầu năm 2023, Singapore là nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 3,8 tỷ USD. Singapore hiện là nhà đầu tư lớn thứ hai vào Việt Nam với gần 73,5 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư.

Tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Singapore năm 2022 đạt khoảng 9,15 tỷ USD, hai nước luôn nằm trong nhóm 15 đối tác thương mại lớn nhất của nhau.

Các khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore (VSIP) là một biểu tượng cho hợp tác giữa hai nước. Đến nay, VSIP đã có 14 dự án KCN tại 9 tỉnh, thành phố với tổng quy mô diện tích 7.145,9 ha. Trong đó, 9 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút 831 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 18,2 tỷ USD và 116 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 19,5 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 312 nghìn lao động.

Tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 17 về Kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore diễn ra chiều 27/8/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả trong nhiều lĩnh vực.

Chính phủ hai nước đã phê duyệt việc nâng cấp Hiệp định khung Kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore nhằm ứng phó tốt hơn với những thách thức và tận dụng tốt hơn các cơ hội từ những thay đổi của khu vực và thế giới trong thời gian qua. Hiệp định khung sau khi nâng cấp bao gồm 5 trụ cột: Kết nối năng lượng; Phát triển bền vững; Cơ sở hạ tầng; Kỹ thuật số và Đổi mới sáng tạo; Kết nối (giáo dục, tài chính, công nghệ thông tin và viễn thông, du lịch, đầu tư, thương mại và dịch vụ, giao thông vận tải). Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sự thống nhất nâng cấp Hiệp định khung, trong đó bổ sung thêm các trụ cột kết nối về năng lượng và phát triển bền vững mở ra các cơ hội hợp tác mới giữa hai nước trong tương lai.

Bộ trưởng Nhân lực kiêm Bộ trưởng thứ hai Bộ Công nghiệp và Thương mại Singapore Tan See Leng cho biết, trong những năm qua, các DN Singapore dành sự quan tâm đặc biệt đối với Việt Nam. Nhắc lại sự kiện Diễn đàn DN khu vực - Singapore lần thứ 7 (SRBF 7) diễn ra tháng 7 vừa qua tại Hà Nội, ông Tan See Leng khẳng định, có những lĩnh vực quan tâm chung giữa 2 quốc gia, Việt Nam và Singapore có sự bổ trợ lẫn nhau trong phát triển.

Có 12 biên bản ghi nhớ liên quan đến thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tăng trưởng xanh, năng lượng mới... giữa các tổ chức, DN Việt Nam và Singapore được trao trước sự chứng kiến của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tại SRBF 7.

Ông Kok Ping Soon - Giám đốc điều hành Liên đoàn DN Singapore (SBF) cho biết, theo Khảo sát kinh doanh quốc gia của SBF năm 2022 - 2023, Việt Nam được xếp hạng là một trong ba quốc gia hàng đầu để các DN Singapore mở rộng hoạt động ra nước ngoài trong ngắn hạn. Trong tương lai, Việt Nam chắn chắn sẽ tiếp tục là thị trường hấp dẫn đối với các danh mục đầu tư của Singapore.

Nhiều dư địa hợp tác mới

Sau nhiều kết quả đạt được từ chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hồi tháng 2/2023, chuyến thăm của Thủ tướng Singapore tới Việt Nam từ ngày 27 - 29/8/2023 được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở ra những cơ hội mới trong hợp tác giữa hai nước.

Hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 28/8, Thủ tướng Lý Hiển Long đánh giá cao những thành tựu to lớn Việt Nam đạt được trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19; nhấn mạnh Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng của Singapore ở khu vực.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Singapore tạo điều kiện tăng cường nhập khẩu các mặt hàng của Việt Nam; phát triển và chuyển đổi các khu VSIP truyền thống sang khu công nghiệp thông minh, xanh, phát thải carbon thấp, tiến tới phát triển hệ sinh thái công nghiệp - đô thị; mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực chủ chốt và thuộc nhóm ưu tiên của Việt Nam (như công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo thông minh, công nghệ thông tin, kỹ thuật số, vật liệu mới); hỗ trợ Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ cho các ngành sản xuất như dệt may, chế biến đồ gỗ, đóng tàu, phát triển hạ tầng công nghiệp, hóa chất, hóa dầu, khí tự nhiên hóa lỏng…

Công thư trao đổi về việc nâng cấp Hiệp định khung Kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore đã được ký kết tại cuộc hội đàm. Ngoài ra, 6 văn kiện hợp tác khác giữa các bộ, ngành, cơ quan hai nước được ký kết ngay sau hội đàm.

Tại Hội đàm, hai Thủ tướng nhấn mạnh, cần triển khai hiệu quả quan hệ Đối tác kinh tế xanh - kinh tế số, đánh giá cao việc hai bên đã hoàn tất việc nâng cấp Hiệp định khung Kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore, góp phần mở rộng, làm sâu sắc kết nối kinh tế sang các lĩnh vực mới như năng lượng sạch và chuyển đổi năng lượng, đổi mới sáng tạo.

Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về việc thiết lập quan hệ Đối tác kinh tế xanh - kinh tế số Việt Nam - Singapore được ký kết ngày 9/2/2023 bởi Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Tan See Leng trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ngày 2/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành để triển khai Bản ghi nhớ, do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là Tổ trưởng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, đây là lĩnh vực hợp tác có nhiều dư địa, tiềm năng to lớn. Ông Tan See Leng cũng kỳ vọng, khuôn khổ hợp tác này sẽ tạo ra các động lực mới, thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa hai bên. Singapore và Việt Nam chia sẻ tầm nhìn chung hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tan See Leng khẳng định, còn nhiều cơ hội để tăng cường quan hệ đối tác hiện có và tìm kiếm những cơ hội mới từ những lĩnh vực mới nổi trong thời kỳ tăng trưởng tiếp theo của Việt Nam, đưa quan hệ kinh tế Việt Nam - Singapore lên tầm cao hơn nữa trong thập kỷ tới.

Chuyên đề