Việt Nam “lùi lại” để thành công trước ngã rẽ?

(BĐT) -Sáng nay (7/9), hai báo cáo kinh tế với chủ đề: “Việt Nam trước ngã rẽ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới” và “Nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa  (DNNVV) Việt với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI)” đã được Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) công bố.
Ảnh: Nguyễn Thủy
Ảnh: Nguyễn Thủy

Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, việc ra mắt hai báo cáo vào thời điểm quan trọng trong quỹ đạo phát triển của Việt Nam. Ông Ousmane Dione nhìn nhận, chính sách nhất quán của Việt Nam về mở cửa đầu tư và thương mại đã mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội phát triển kinh tế, mở đường cho những thành tựu lớn về năng lực cạnh tranh xuất khẩu, giảm nghèo. Tuy nhiên, trong quá trình này, nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa tận dụng được những cơ hội từ hội nhập mang lại. Mặc dù được kết nối vào các chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng các DN Việt Nam nhìn chung chỉ thực hiện sản xuất có công nghệ thấp nhất, bao gồm phần cứng công nghệ thông tin và truyền thông, dệt may. Những sản phẩm đầu vào mà Việt Nam tạo ra và bán cho các quốc gia khác thường ở công đoạn cuối cùng, có giá trị thấp, khả năng kết nối trong nước còn hạn chế.

Thừa nhận những hạn chế nêu trên, phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, theo ước tính chỉ có khoảng 300 DN Việt nam đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. “Song, phần lớn các DN Việt Nam tham gia vào khâu mang lại giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi cung ứng như gia công, lắp ráp…”. Ông Hải cũng cho rằng, hiệu ứng lan tỏa  và liên kết của các DN FDI còn rất hạn chế. Đây là một trong những nút thắt hạn chế sự phát triển và nâng cao sức cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, Báo cáo Nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường kết nối DNNVV Việt với DN FDI công bố tại Hội thảo chỉ ra, nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao của Việt Nam có hàm lượng nhập khẩu cao và giá trị gia tăng trong nước thấp, do đó con số đóng góp ròng vào nền kinh tế của các DN FDI không cao như người ngoài nhìn vào. Đơn cử như hiện Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam nhưng chỉ có 32% đầu vào từ nhà cung cấp hoạt động tại Việt Nam, trong khi đó so sánh với nguồn cung cấp địa phương từ Trung Quốc là 65%, Indonesia là 40%... “Điều này cũng phản ánh sự thâm nhập hạn chế của các DNNVV trong nước vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc trở thành nhà cung cấp cho các DN FDI sản xuất hàng xuất khẩu”, Báo cáo nhận xét. Ở giai đoạn hiện tại, các DNNVV của Việt Nam chủ yếu là nhà cung cấp Cấp ba với các linh kiện đơn giản và ít giá trị gia tăng.

Trước thực tế này, tại Báo cáo Việt Nam trước ngã rẽ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cho rằng, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ. Báo cáo nhận định ngã rẽ đầu tiên là nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng dựa trên xuất khẩu theo chuỗi giá trị toàn cầu chuyên sâu vào các chức năng gia công, lắp ráp có giá trị gia tăng thấp thông qua công nghiệp hóa theo hướng cục bộ mà không kết nối nhiều với nền kinh tế và xã hội bên ngoài. Hoặc ngã rẽ khác là có thể tận dụng làn sóng tăng trưởng hiện nay đang được đẩy mạnh nhờ sự tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu theo hướng đa dạng hóa và nâng cao vị thế trong chuỗi bằng cách thực hiện các chức năng mang lại giá trị giá tăng cao hơn. Thậm chí, với tham vọng cao hơn, Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội để nuôi dưỡng những doanh nghiệp tuy còn non trẻ nhưng tự chủ, năng động và đói mới sáng tạo trong nước để đưa đất nước đến thành công trong dài hạn.

Với ngã rẽ mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối diện, ông Charles Kunaka, chuyên gia kinh tế trưởng Vụ Thương mại, khối thương mại và cạnh tranh thuộc WB nêu quan điểm, nên chăng Việt Nam “lùi lại” một bước trong tiến trình phát triển để xử lý những thách thức trước mắt đang gặp phải. “Bước “lùi” này để tìm kiếm, xem xét có tư duy mới nào có thể xử lý hiệu quả những thách thức và rủi ro hiện hữu nhằm tìm kiếm những bước đi vững chắc trong tương lai”, ông Charles Kunaka gợi ý.

Để thành công ở cả hai hướng này WB cho rằng, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần phải có tư duy mới về tiến trình phát triển, đồng thời phải thẳng thắn nhìn nhận một cách đầy đủ hơn về hiện thực mới của nền kinh tế toàn cầu. 4 khuyến nghị đối với Việt Nam để nâng cấp khả năng kết nối thương mại cũng được WB đưa ra là: Thu hẹp khoảng cách về hạ tầng thông qua việc đẩy mạnh huy động nguồn tài chính tư nhân và áp dụng cách tiếp cận tổng thể hơn trong phát triển cách hành lang giao thông; Phát triển các thị trường dịch vụ cạnh tranh ở các ngành xương sống, giảm chi phí kinh doanh; Hợp lý hóa các thủ tục hải quan để nâng cao minh bạch và khả năng tiên liệu; Tận dụng các sáng kiến hiện nay với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để đảm bảo kết nối tốt hơn với nhu cầu và đầu tư công nghệ trong khu vực.

Chuyên đề