Toàn cảnh Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm G20 ở Bonn ngày 17/2. Ảnh: EPA/ TTXVN |
Cùng với Hà Lan, Na Uy, Singapore, Chad và Senegal, Việt Nam là một trong những nước tham gia với tư cách khách mời. Đoàn Việt Nam do Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh (Sherpa Việt Nam) làm trưởng đoàn tham dự với tư cách là chủ nhà APEC 2017.
Ngoài quan chức cao cấp các nước thành viên G20, dự hội nghị còn có đại diện các tổ chức quốc tế lớn, trong đó có Liên hợp quốc, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB),..., cùng đại diện các tổ chức và nhóm hoạt động xã hội G20 trong các lĩnh vực lao động (L20), kinh doanh (B20), khoa học (S20), và các tổ chức chính trị xã hội (C20).
Hội nghị Sherpa lần này diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi rõ rệt hơn, mặc dù còn chậm chạp, các xu hướng bảo hộ, chống toàn cầu hoá có xu hướng gia tăng, chính quyền một số nước điều chỉnh chính sách kinh tế đối ngoại, tác động đến khả năng đạt đồng thuận đối với một số vấn đề quốc tế quan trọng như tự do hóa thương mại, biến đổi khí hậu và vai trò của các tổ chức hợp tác phát triển và thương mại đa phương.
Trong bối cảnh đó, kế thừa các kết quả đạt được tại Hội nghị Sherpa G20 lần thứ nhất, Hội nghị Sherpa G20 lần thứ hai tiếp tục thảo luận các nội dung để chuẩn bị báo cáo Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức vào tháng 7/2017, trong đó có việc bắt đầu soạn thảo những thông điệp chính của các nhà lãnh đạo G20 sẽ công bố tại Hội nghị thượng đỉnh này.
Tiến tới chủ đề “Định hình một thế giới kết nối” (Shaping an interconnected world), nội dung nghị sự của Hội nghị Sherpa G20 lần hai bao gồm các trọng tâm: triển vọng kinh tế thế giới; cải thiện đời sống người dân thông qua tạo việc làm và tối đa hóa lợi ích của số hoá; chia sẻ lợi ích của toàn cầu hóa thông qua đẩy mạnh thương mại, đầu tư, phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và hỗ trợ châu Phi; các vấn đề y tế, bệnh dịch; đảm bảo an ninh và củng cố lòng tin của người dân thông qua chống khủng bố và chống tham nhũng; vấn đề khí hậu và năng lượng, vấn đề tị nạn, nhập cư.
Tại hội nghị, đoàn Việt Nam đã chủ động, tích cực đóng góp nhiều ý kiến tại các phiên thảo luận. Phát biểu tại phiên Thương mại và Đầu tư, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh đã chuyển tới hội nghị kết quả Hội nghị quan chức cao cấp APEC lần thứ nhất; kiến nghị APEC và G20 cần tăng cường phối hợp và bổ sung lẫn nhau trong các vấn đề hai bên đều quan tâm, nhất là thương mại và đầu tư; nhấn mạnh tầm quan trọng của toàn cầu hóa và thương mại đa phương đồng thời kêu gọi các nước lưu ý điều chỉnh chính sách trong nước để đảm bảo lợi ích toàn cầu hóa được phân bổ đồng đều, hướng tới phát triển bao trùm và bền vững.
Bộ Trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Ảnh: Phạm Văn Thắng/TTXVN.
Đoàn Việt Nam cũng chia sẻ kết quả và kinh nghiệm giải quyết các vấn đề tương tự trong các khuôn khổ như Hội nghị Liên hợp quốc khu vực Á–Âu về tăng cường hợp tác thuận lợi hóa trung chuyển, thương mại và thực hiện Chương trình Nghị sự 2030, các khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng sông Mekng, Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong và Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (ACMECS-CLMV)…
Nhiều ý kiến đóng góp có trách nhiệm của đoàn Việt Nam về thúc đẩy liên kết kinh tế, hợp tác ba bên hỗ trợ châu Phi, vấn đề chống vi khuẩn kháng thuốc, thực hiện Chương trình nghị sự Phát triển Bền vững 2030, chống tham nhũng, chống buôn bán trái phép động vật hoang dã, ứng phó với biến đổi khí hậu,... được nước chủ nhà Đức và nhiều đại biểu hoan nghênh và tán đồng.
G20 là diễn đàn tập hợp các nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm 80% GDP và 75% thương mại toàn cầu. Từ năm 2008 đến nay, G20 thường niên tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhằm khẳng định cam kết tăng cường phối hợp chính sách để xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu.
Đây là lần thứ hai Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh và các hội nghị liên quan của G20. Việt Nam lần đầu tiên được mời dự các hội nghị G20 vào năm 2010 tại Hàn Quốc và Canada khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN.
Việc tham dự và tích cực đóng góp tại các diễn đàn của các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới như G20 sẽ góp phần quan trọng tăng cường vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên lề Hội nghị, Sherpa - Trưởng đoàn Việt Nam đã gặp song phương Trưởng đoàn Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trao đổi về khả năng tăng cường hợp tác giữa hai bên và thúc đẩy việc OECD hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Năm APEC 2017.
Sherpa Việt Nam cũng tiếp xúc song phương với Sherpa các nước, trong đó có Đức, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Nga, Singapore, Argentina, … về các vấn đề thảo luận tại hội nghị cũng như các vấn đề liên quan hợp tác song phương hai bên cùng quan tâm.