Bộ trưởng Ngoại giao các nước Mekong và Nhật Bản tham dự Hội nghị |
Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Việt Nam, Myanmar, Thái Lan và Nhật Bản.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
Hội nghị tập trung trao đổi về tình hình thực hiện Chiến lược Tokyo 2015 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược 2016 -2018 và định hướng hợp tác trong thời gian tới và công tác chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 9 (11/2017).
Các nước Mekong đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản trong thúc đẩy kết nối khu vực, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng công nghiệp thông qua các sáng kiến như ‘Đối tác vì hạ tầng chất lượng cao’, ‘Sáng kiến phát triển nguồn nhân lực công nghiệp’, các khoản hỗ trợ phát triển chính thức.
Các Bộ trưởng bày tỏ quyết tâm tiếp tục thúc đẩy hợp tác Mekong - Nhật Bản vì hoà bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung hợp tác như: Phối hợp giải quyết các khó khăn trong kết nối hạ tầng ‘mềm’ (như thủ tục thông quan, nguồn nhân lực), đồng thời thúc đẩy phát triển hạ tầng chất lượng cao; hỗ trợ các nước Mekong chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, gia tăng khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro thiên tai; nâng cao năng lực quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước, đặc biệt nguồn nước xuyên biên giới. Các Bộ trưởng cũng khẳng định cam kết tăng cường hợp tác với Ủy hội sông Mekong; và tăng cường hợp tác công – tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng nhất trí tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Mekong- Nhật Bản lần thứ 11 tại Singapore trong năm 2018.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định cam kết của Việt Nam phối hợp cùng Nhật Bản và các nước Mekong triển khai thành công Chiến lược Tokyo 2015 và Kế hoạch hành động 2016-2018.
Nhằm hỗ trợ các nước Mekong tham gia ngày càng sâu vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, Phó Thủ tướng đề xuất một số nội dung mà hợp tác Mekong - Nhật Bản cần chú trọng trong thời gian tới.
Đó là phát triển các hành lang giao thông quốc tế và hệ thống logistics hiệu quả để khu vực Mekong thực sự là cầu nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và là cửa ngõ vào các thị trường lớn như Ấn Độ và ASEAN ; hỗ trợ các nước Mekong chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh và tiết kiệm năng lượng; phát triển các nguồn năng lượng một cách tối ưu nhằm bảo đảm cân bằng giữa an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước và an ninh lương thực; quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong và ứng phó biến đổi khí hậu; và hỗ trợ các nước Mekong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng năng lực nghiên cứu và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và phục vụ quá trình công nghiệp hoá.