Việt Nam đã làm tốt công khai thông tin đấu thầu

(BĐT) - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Tham gia CPTPP, đây là lần đầu tiên Việt Nam mở cửa thị trường mua sắm công (MSC). 

Báo Đấu thầu đã có cuộc phỏng vấn bà Anna L. Wielogorska - Trưởng ban Đấu thầu của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam về một số cam kết trong CPTPP.

Nội dung về mua sắm chính phủ được quy định tại Chương 15 của Hiệp định CPTPP, trong đó Báo Đấu thầu của Việt Nam được quy định là tờ báo chính thống của Việt Nam tham gia công khai thông tin về đấu thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP. Theo bà, quy định này có tác động gì đến việc công khai thông tin đấu thầu?

Về các quy định thông tin MSC trong CPTPP sẽ được đăng tải công khai, tôi nghĩ rằng đây là một điều rất tốt. Quy định này cũng không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam, vì Luật Đấu thầu hiện nay đã có các điều khoản quy định nội dung này, và Việt Nam đã thực thi tốt việc công khai thông tin về đấu thầu. Báo Đấu thầu đã đăng tải những thông tin này hàng ngày, từ thông tin về cơ hội dự thầu đến các kết quả đấu thầu. Như vậy, Việt Nam đã và đang thực hiện tốt vấn đề công khai thông tin MSC.

Việt Nam đã làm tốt công khai thông tin đấu thầu ảnh 1
Bà Anna L. Wielogorska
Bà đánh giá như thế nào về việc công khai thông tin MSC trên Báo Đấu thầu thời gian vừa qua? Việc công khai thông tin MSC của Việt Nam đã tiệm cận các chuẩn mực công bố thông tin MSC ở các quốc gia phát triển trên thế giới?

Như tôi đã nói, việc công khai thông tin MSC trên Báo Đấu thầu đã và đang thực hiện rất tốt. Thực tiễn tốt này ở Việt Nam hoàn toàn phù hợp với thông lệ tốt của thế giới, với quy định và thực tiễn rằng toàn bộ các cơ hội tham gia đấu thầu và kết quả đấu thầu đều được công khai. 

Theo bà, Báo Đấu thầu cần làm gì để thực hiện tốt việc công khai thông tin về đấu thầu theo thông lệ của các nước trong CPTPP nói riêng và thế giới nói chung?

Thực hiện tốt việc công khai thông tin về đấu thầu theo thông lệ của các nước trong CPTPP nói riêng và thế giới nói chung là rất quan trọng. Vai trò của Báo Đấu thầu là chủ chốt, và Báo sẽ cần mở rộng hoạt động, phạm vi thông tin hơn nữa để bao phủ các thông tin MSC trong các nước thành viên CPTPP (cho các nhà thầu Việt Nam), chứ không chỉ giới hạn trong thị trường Việt Nam.  

Với việc CPTPP được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, đây là lần đầu tiên Việt Nam mở cửa thị trường MSC. Bà khuyến nghị điều gì đối với nhà thầu Việt Nam khi tham gia thị trường MSC trong CPTPP?

Với việc CPTPP được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và thị trường MSC của Việt Nam bắt đầu mở cửa, tôi muốn khuyến khích các nhà thầu Việt Nam tham gia đấu thầu tất cả các gói thầu trong nội khối CPTPP mà họ đủ điều kiện. Chúng tôi đã thấy có nhiều nhà thầu Việt Nam thành công trên thị trường quốc tế, trong các gói thầu do WB tài trợ vốn. Vì vậy, chắc chắn không có rào cản gì cho các công ty khác của Việt Nam tham gia đấu thầu trong các nước CPTPP. 

Khi Việt Nam mở cửa thị trường MSC, bà khuyến nghị gì đến các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu và các chủ đầu tư, bên mời thầu của Việt Nam?

Khi CPTPP đi vào thực thi thì vẫn còn một số khoảng cách pháp lý giữa khung pháp lý hiện nay của Việt Nam so với yêu cầu của Hiệp định. Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, mà trực tiếp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cục Quản lý đấu thầu để giải quyết các vướng mắc này.

Chuyên đề