Vì sao TP.HCM rà soát hợp đồng liên doanh, liên kết thiết bị y tế?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc Công an TP.HCM thu thập tài liệu về các hợp đồng liên doanh, liên kết (LDLK), đặt máy, mượn máy, thuê máy là trang thiết bị y tế tại tất cả các bệnh viện công lập trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2007 - 2020 sẽ giúp có cái nhìn toàn cảnh về việc triển khai mô hình này. Câu chuyện LDLK có thực sự đem lại nguồn lợi cho bệnh viện, người bệnh và bảo đảm công khai, minh bạch sẽ được soi rọi.
Do không có cơ chế quản lý nên khó kiểm soát phương án tài chính, khai thác máy cũng như chất lượng các dịch vụ kỹ thuật thực hiện trên các máy đặt, mượn tại các cơ sở y tế. Ảnh: Trần Sơn
Do không có cơ chế quản lý nên khó kiểm soát phương án tài chính, khai thác máy cũng như chất lượng các dịch vụ kỹ thuật thực hiện trên các máy đặt, mượn tại các cơ sở y tế. Ảnh: Trần Sơn

Triển khai rầm rộ hơn 10 năm

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh vừa có công văn gửi tất cả bệnh viện, trung tâm y tế công lập trực thuộc trên địa bàn đề nghị cung cấp danh sách, tài liệu, hồ sơ, số liệu liên quan đến các hợp đồng LDLK, đặt máy, mượn máy, thuê máy là trang thiết bị y tế để Sở báo cáo Công an TP.HCM. Số liệu cung cấp trong khoảng thời gian từ tháng 1/2007 - 9/2020. Trước đó, ngày 24/9/2020, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) thuộc Công an TP.HCM đã có công văn đề nghị Sở Y tế làm đầu mối chỉ đạo các đơn vị thực hiện cung cấp tài liệu nói trên.

TP.HCM có thể nói là địa phương triển khai mô hình LDLK đặt máy trong bệnh viện rầm rộ nhất cả nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính từ cuối năm 2010 đến năm 2013, các bệnh viện công tại TP.HCM đã triển khai 59 đề án LDLK với tổng giá trị 380 tỷ đồng.

Đánh giá của UBND TP.HCM trong các chương trình kích cầu đầu tư cho thấy, tổng vốn đầu tư tư nhân vào các dự án LDLK trang bị máy móc cho các bệnh viện, kể cả mức tín dụng thỏa thuận cho vay lên tới 26.000 tỷ đồng.

Tại TP.HCM, rất nhiều dự án bệnh viện công lập có bóng dáng của tư nhân ngay từ khâu xây dựng. Đó là Dự án Trung tâm Y tế Quận 7 (quy mô vốn đầu tư 99 tỷ đồng), hợp tác với Công ty CP Đầu tư xây dựng An Gia Hưng; Dự án Xây dựng Khu dịch vụ số 1 - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (quy mô 800 tỷ đồng), được ký kết với Vietcombank; Khu khám và điều trị kỹ thuật cao Bệnh viện Quận 2 (tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng) có sự tham gia của Công ty CP Đầu tư Tư vấn Dịch vụ y tế Y Đạo…

Riêng về lĩnh vực thiết bị y tế, các bệnh viện công lập của TP.HCM đã chủ động LDLK với tư nhân từ rất sớm. Rất nhiều bệnh viện lớn như Bình Dân, Nhân dân 115, Nguyễn Tri Phương, Tai Mũi Họng, Mắt… đều có các dự án LDLK.

Thanh tra đã sớm cảnh báo

Thực tế, dù triển khai mô hình này hơn 10 năm nay nhưng Bộ Y tế chưa hướng dẫn, quy định đối với các nội dung của đề án xã hội hóa, đề án sử dụng các máy được đối tác cho mượn hoặc đặt tại các cơ sở khám chữa bệnh dẫn tới nhiều lỗ hổng trong quản lý.

Do không có cơ chế quản lý nên khó kiểm soát phương án tài chính, khai thác máy cũng như chất lượng các dịch vụ kỹ thuật thực hiện trên các máy đặt, mượn tại các cơ sở y tế, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người bệnh. Sở Y tế TP.HCM đã nhìn ra nhiều mặt trái của mô hình này.

Kết luận thanh tra của Sở Y tế TP.HCM (năm 2016) cho thấy, trong việc liên kết đặt máy CT-scanner tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, tỷ lệ phân chia lợi nhuận sau thuế (bệnh viện 30%, đối tác 70%) là không bảo đảm lợi ích cho Bệnh viện.

Tại Bệnh viện Bình Dân, việc LDLK đã gây thất thu, thất thoát ngân sách nhà nước, gây lãng phí nhiều tỷ đồng. Riêng với việc đặt máy CT-Scanner từ năm 2006 đến 2011, giá trị máy là 4,5 tỷ đồng, tỷ lệ ăn chia là đối tác 80%, Bệnh viện 20%. Sau 3 năm đặt máy, đối tác thu hồi đủ vốn. Đến cuối năm 2011, Bệnh viện tiếp tục ký hợp đồng đặt máy 2 năm (2011 - 2013) cũng với tỷ lệ đối tác 80%, Bệnh viện 20%. Điều này là bất hợp lý, làm lợi cho đối tác mà thất thu cho Bệnh viện vì máy đã qua sử dụng và đối tác đã thu hồi đủ vốn.

Thanh tra TP.HCM cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm trong LDLK, mua sắm, tài chính của Bệnh viện Trưng Vương năm 2018. Một trong các sai phạm tài chính có liên quan đến LDLK tại Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ.

Thống kê của Báo Đấu thầu cho thấy, nhiều gói thầu triển khai theo mô hình trên vừa được các bệnh viện công bố kết quả. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương công bố Gói thầu Thuê hệ thống chẩn đoán hình ảnh O-Arm và khung bàn mổ cột sống chuyên dụng với giá 46,780 tỷ đồng (giá gói thầu là 46,872 tỷ đồng), hợp đồng trọn gói trong thời gian 96 tháng. Bệnh viện Nhân dân 115 chọn Công ty CP Xây dựng Thương mại Vĩnh Đức thực hiện Gói thầu Thuê hệ thống robot trong phẫu thuật thần kinh sọ não và cột sống với giá 53,995 tỷ đồng (giá gói thầu là 54 tỷ đồng) trong vòng 50 tháng…

Chuyên đề