Nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục tăng lãi suất huy động để đáp ứng nhu cầu vay vốn cuối năm và dự trữ cho năm tài chính mới. Ảnh: Việt Trần |
Bên cạnh việc cần nguồn tiền để đảm bảo chỉ tiêu về vốn theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều ngân hàng muốn làm đẹp sổ sách trước thời điểm cuối năm và cũng là cách để tạo nguồn vốn dự trữ cho một năm tài chính mới.
Bám đuổi quyết liệt
Cuối tuần qua, Ngân hàng VPBank công bố tăng mạnh lãi suất huy động VND thêm 0,1% - 0,7% đối với kỳ hạn từ 13 tháng trở lên của các sản phẩm tiết kiệm thường, tiết kiệm lĩnh lãi định kỳ, tiết kiệm trả lãi trước, tiết kiệm trực tuyến, Bảo chứng thấu chi, Phát Lộc Thịnh Vượng, An Thịnh Vượng, Tài Lộc Thịnh Vượng, Tiết kiệm TIMO. Mức lãi suất cao nhất lên tới 8,5%/năm đối với kỳ hạn từ 13 tháng và 8,6%/năm với kỳ hạn từ 18 tháng thuộc sản phẩm Phát Lộc Thịnh Vượng. Đây được xem là mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường ngân hàng hiện nay.
Động thái này của Ngân hàng VPBank diễn ra chỉ ít ngày sau khi một số ngân hàng khác tìm cách hút tiền bằng việc tăng lãi suất. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng vừa tăng lãi suất lên mức 8,39%/năm với sản phẩm tiết kiệm đắc lộc tài lãi suất kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 8,54%/năm với tiền gửi kỳ hạn 9 - 11 tháng và 8,59%/năm với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng.
Tại Ngân hàng Bản Việt, lãi suất cao nhất cũng đạt mức 8,6%/năm với các kỳ hạn từ 24 tháng trở lên.
Theo đánh giá của Bộ phận phân tích khối khách hàng cá nhân thuộc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI Retail Research), việc đẩy mạnh tín dụng của các NHTM vào tháng cuối năm và điều hành cung tiền chặt chẽ của NHNN sẽ khiến cho nhu cầu thanh khoản của hệ thống NHTM tiếp tục căng thẳng, lãi suất sẽ vẫn chịu áp lực tăng trong tháng 12/2018.
Điểm đáng chú ý, dù lãi suất huy động tăng mạnh, song lãi suất cho vay giữa các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất cho vay cá nhân và doanh nghiệp vẫn giữ ổn định. Số liệu từ NHNN cho biết, từ 26 - 30/11/2018, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần này tương đối ổn định so với tuần trước đó. Cụ thể, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm và 1 tuần lần lượt giảm nhẹ 0,07%/năm và 0,01%/năm xuống mức 4,7%/năm và 4,75%/năm; kỳ hạn 1 tháng lãi suất cũng chỉ tăng nhẹ 0,04%/năm lên mức 5,06%/năm.
Lựa chọn cần thiết của nhiều ngân hàng
Bình luận về xu thế tăng lãi suất gần đây, ông Mạc Quốc Anh nhận xét: “Đây là thời điểm tăng lãi suất mang tính chu kỳ, song xu hướng rõ nét nhất là cuộc đua lãi suất huy động trong một tháng gần đây. Theo quy luật, đây là thời điểm các doanh nghiệp cần lượng tiền lớn để đón mùa kinh doanh cuối năm nên dẫn đến tình trạng thiếu cung về vốn và giá vốn tăng. Tuy nhiên, có lẽ do sự chỉ đạo của Chính phủ nên lãi suất cho vay vẫn giữ ở mức khá ổn định. Mặt khác, cũng có thể do ngân hàng và doanh nghiệp thương lượng được với nhau để giữ mặt bằng lãi suất cho vay không quá cao”.
Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, bên cạnh việc cần vốn để tăng cho vay và tạo dòng tiền tốt để bù đắp các khoản tiền gửi đến hạn tất toán, nhiều ngân hàng muốn có lượng vốn huy động lớn để làm đẹp các con số trên báo cáo tài chính cuối năm.
Theo đó, các chỉ tiêu về tổng dư nợ trên tổng vốn huy động, tỷ lệ giữa vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, tổng số vốn có sẵn để đáp ứng nhu cầu cho vay đầu năm 2019 cần ở trạng thái “tích cực” vào dịp cuối năm, và điều này có thể đạt được nếu huy động được vốn lớn.
Bình luận về mức lợi nhuận biên rất thấp bởi lãi suất huy động cao và lãi suất cho vay vẫn ổn định, ông Hiếu cho rằng, việc hút tiền vào để một phần đẩy dòng vốn ra thị trường và tái cơ cấu các khoản nợ là lựa chọn cần thiết của nhiều ngân hàng ở thời điểm này. “Khi room tín dụng đã cạn, họ có thể tích cực thu các khoản nợ cũ có lãi suất cho vay thấp và bắt đầu một hợp đồng cho vay mới với kỳ hạn và lãi suất hấp dẫn hơn. Làm được như vậy, ngân hàng lợi cả đôi đường. Do đó, ngay cả những ngân hàng có tình hình tài chính ổn định vẫn muốn tăng huy động”, ông Hiếu nói.