Máy bay chiến đấu chuẩn bị xuất kích từ tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. (Ảnh: SCMP) |
"Như trẻ mẫu giáo"
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn nhận định của chuyên gia hàng hải Li Jie tại Bắc Kinh cho rằng: “Một tàu sân bay cần các đợt bảo dưỡng định kỳ quy mô lớn. Trung Quốc cần có hơn 4 nhóm tàu sân bay nếu muốn thực hiện các sứ mệnh ở các vùng biển xa xôi và bảo vệ lợi ích ở nước ngoài”.
“Một tàu sân bay duy nhất không thể trở thành một lực lượng chiến đấu bởi nó cần sự hiện của các tàu chiến khác để lập một biên đội tàu tác chiến cũng như tự vệ”, chuyên gia Li nói.
Hải quân Mỹ hiện duy trì 10 nhóm tàu sân bay đồn trú ở các căn cứ hải quân của Mỹ cũng như ở nước ngoài. Tàu sân bay thứ 11 dự kiến được đưa vào biên chế khi tàu sân bay USS Gerald R. Ford ngừng biên chế.
Trong khi đó, Trung Quốc chỉ có duy nhất một tàu sân bay hoạt động. Đó là tàu sân bay Liêu Ninh vốn được Trung Quốc mua lại từ Ukraine. Hôm 26/4 vừa qua, Trung Quốc đã ra mắt tàu sân bay thứ 2 và cũng là tàu sân bay tự đóng đầu tiên. Tàu này dự kiến đi vào biên chế hoàn toàn trong 3 năm tới.
Chuyên gia Li nói rằng, một nhóm tàu sân bay tác chiến cần từ 4.500 đến 5.000 thủy thủ, trong đó có các phi công lái máy bay chiến đấu, sĩ quan tác chiến không quân, kỹ sư và thủy thủ đoàn của các tàu chiến đi cùng. Như vậy, hai tàu sân bay của Trung Quốc khi được biên chế hoàn toàn cần khoảng thủy thủ đoàn 10.000 người.
Trung Quốc khi bắt đầu vận hành tàu Liêu Ninh đã phải đối mặt với thách thức lớn đó là chỉ huy thủy thủ đoàn hơn 2.000 người đến từ các tôn giáo khác nhau.
"Chúng tôi rất bối rối khi bắt đầu huấn luyện thủy thủ đoàn, tất cả các cửa ra vào đều kẹt cứng khi chuông báo động kêu", ông Chen Yueqi, chỉ huy tàu Liêu Ninh nói với CCTV. Cũng theo lời quan chức này, bữa trưa trên tàu cũng khá hỗn loạn mặc dù tàu có tới 10 căng-tin. Vấn đề này dai dẳng cho tới khi ban điều hành con tàu đưa ra kế hoạch phân chia thời gian làm việc và thời gian ăn uống phù hợp giữa các thuyền viên.
Chuyên gia Li nói, so sánh với thủy thủ đoàn của Mỹ, quốc gia sở hữu 10 tàu sân bay và kinh nghiệm quản lý hơn 100 năm, thủy thủ đoàn của Trung Quốc chỉ như “trẻ mẫu giáo”.
Chưa thể "vượt mặt" Mỹ một sớm một chiều
Thủy thủ đoàn trên tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc trong trang phục khá màu sắc. (Ảnh: SCMP)
Hải quân Mỹ lập ra một hệ thống vận hành tàu sân bay toàn diện, trong đó có hệ thống cất và hạ cánh tần suất cao trong mọi điều kiện thời tiết, bảo đảm sự phân công rõ ràng và phối hợp nhịp nhàng giữa các tàu trong nhóm.
Trong khi đó, để vận hành tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc đã phải “học lỏm” nhiều thành phần của hệ thống vận hành đội bay trên tàu Mỹ, từ đồng phục thủy thủ cho đến động tác ra hiệu của các sĩ quan phát tín hiệu hạ cánh và cũng đội chuyên môn khác.
Trung Quốc thử nghiệm tàu sân bay Liêu Ninh kể từ khi tàu này gia nhập hải quân hồi tháng 9/2012. Tuy nhiên, hơn 4 năm sau đó, tàu này mới thực hiện đợt diễn tập toàn diện đầu tiên ở vùng biển xa (Tây Thái Bình Dương).
Tàu Liêu Ninh nằm trong hạm đội gồm 10 tàu chiến: 1 tàu khu trục 052D, 2 tàu khu trục 052C, hai tàu khu trục 054, cùng 2 tàu ngầm mang tên lửa Type 094A, 1 tàu hộ vệ và 1 tàu phụ trợ.
Tàu mang theo hơn 20 máy bay cánh cố định và các loại máy bay khác. Theo chuyên gia Li, số phi công cần phải nhiều hơn so với số lượng máy bay J-15 trên tàu. Ví dụ, một tàu sân bay Mỹ với 80 máy bay thì có hơn 120 phi công. Trong khi đó, hiện tại, Trung Quốc chỉ có tổng cộng 37 phi công, vừa đủ phục vụ cho 24 máy bay J-15 trên tàu Liêu Ninh.
Chuyên gia quân sự Antony Wong Dong tại Macao cho rằng, hệ thống vận hành của hải quân Trung Quốc còn chưa đáp ứng được các yêu cầu của hạm đội chiến đấu đại dương bởi đang trong quá trình chuyển từ hải quân ven bờ thành hải quân vùng biển xa. “Để đáp ứng nhu cầu chiến lược và mục tiêu phát triển lâu dài, nhóm tàu sân bay Trung Quốc cần phải học hỏi thêm nhiều từ mô hình của Mỹ. Phải rất lâu nữa nhóm tàu sân bay Trung Quốc mới có thể bắt kịp của Mỹ”, chuyên gia này nhận định.