Vì sao dầu thô khó bước vào “siêu chu kỳ” tăng giá?

0:00 / 0:00
0:00
Giá dầu có thể không giữ được xu hướng tăng bùng nổ gần đây, cho dù kinh tế toàn cầu tiếp tục khởi sắc từ đại dịch Covid-19...
Ảnh minh họa - Ảnh: BBC.
Ảnh minh họa - Ảnh: BBC.

Trong dự báo vừa đưa ra, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng giá dầu có thể không giữ được xu hướng tăng bùng nổ gần đây, cho dù kinh tế toàn cầu tiếp tục khởi sắc từ đại dịch Covid-19.

Theo trang CNN Business, báo cáo ngày 17/3 của IEA cho biết, cơ quan có trụ sở ở Paris, Pháp này không kỳ vọng giá dầu bước vào một "siêu chu kỳ" - một thời kỳ kéo dài trong đó giá dầu tăng cao hơn nhiều so với xu hướng dài hạn.

"Việc giá dầu tăng vọt lên vùng 70 USD/thùng gần đây đã làm dấy lên cuộc thảo luận về một siêu chu kỳ mới và nguy cơ thiếu hụt nguồn cung dầu. Nhưng dữ liệu và phân tích của chúng tôi cho thấy điều ngược lại", bản báo cáo hàng tháng có đoạn viết.

Một số nhà phân tích gần đây dự báo giá dầu sẽ leo thang lên ngưỡng 100 USD/thùng khi đại dịch được khống chế, các nền kinh tế mở cửa trở lại và hoạt động đi lại trên toàn cầu được nối lại.

Tuy nhiên, IEA - tổ chức với sứ mệnh theo dõi các xu hướng thị trường năng lượng cho các quốc gia giàu nhất thế giới - lại cho rằng đang có quá nhiều dầu trên thị trường toàn cầu để một "siêu chu kỳ" giá dầu có thể hình thành.

"Đầu tiên, lượng dầu tồn kho có vẻ vẫn còn nhiều so với mức trung bình lịch sử, cho dù lượng dầu thừa khổng lồ tích tụ trong nửa sau của năm 2020 đang giảm dần đều", báo cáo viết.

IEA cũng nhắc đến quyết định của OPEC+ về kéo dài việc hạn chế sản lượng khai thác dầu. Đầu tháng này, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh ngoài khối tuyên bố sẽ duy trì mức cắt giảm sản lượng cho tới khi kinh tế toàn cầu đạt tới sự phục hồi vững chắc.

"Do OPEC hạn chế sản lượng, một lượng lớn công suất khai thác dầu đã được đưa vào dự trữ", IEA nhận định về khả năng nguồn cung dầu có thể tăng mạnh mẽ trở lại khi phần công suất "ngủ đông" này được đưa hoạt động trở lại.

Việc giá dầu tăng mạnh thời gian qua, với mức tăng gần 65% trong vòng 6 tháng, khiến một số nước sản xuất dầu tin rằng việc OPEC+ hạn chế sản lượng đã giúp tạo ra một "tấm nệm" nâng đỡ giá dầu, sau khi giá năng lượng này sụt xuống dưới 0 lần đầu tiên trong lịch sử vào tháng 4 năm ngoái. Dù vậy, OPEC+ vẫn thận trọng và quyết định chưa vội nâng sản lượng.

Trong cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 16-17/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế và lạm phát của nước này, đồng thời cam kết duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Tuy vậy, giá dầu vẫn có phiên giảm thứ tư liên tiếp dưới sức ép từ lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng.

Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/3, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,52 USD/thùng, tương đương giảm 0,7%, còn 67,9 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,2 USD/thùng, tương đương giảm 0,3%, còn 64,6 USD/thùng.

Tại một cuộc họp báo vào đầu tháng này, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, ông Abdulaziz Bin Salman nói rằng "chưa thể nói điều gì" về tương lai của thị trường dầu lửa. "Khi phải đối mặt với sự khó lường và bấp bênh như thế này, bạn có thể có những lựa chọn khác nhau. Tôi thuộc về trường phái thận trọng và giải quyết mọi thứ theo hướng cảnh giác. Tôi chỉ tin vào sự phục hồi của thị trường khi tôi tận mắt chứng kiến", ông nói.

IEA dự báo việc OPEC+ hạn chế sản lượng khai thác dầu sẽ giúp giảm lượng dầu tồn kho trên toàn cầu, nhưng ở thời điểm hiện tại, điều đó chưa xảy ra.

"Triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu gia tăng và việc OPEC tiếp tục hạn chế sản lượng dầu là những yếu tố chỉ báo về một sự sụt giảm mạnh lượng dầu tồn kho trong nửa sau của năm nay. Nhưng ở thời điểm hiện tại, lượng dầu tồn vẫn còn lớn so với nhu cầu của thị trường toàn cầu", báo cáo của IEA viết.

Số liệu do Bộ Năng lượng Mỹ đưa ra trong báo cáo hàng tuần ngày 17/3 cho thấy lượng dầu thô tồn kho của nước này tăng 2,4 triệu thùng trong tuần trước. Đây là tuần thứ tư liên tiếp tồn kho dầu của Mỹ tăng, chủ yếu do hoạt động của các nhà máy lọc dầu ở miền Nam nước này giảm sút trong và sau đợt bão lạnh kỷ lục hồi tháng 2.

Chuyên đề